Giải bài toán thương mại hóa 5G

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang tìm kiếm con đường đi riêng trong chiến lược đầu tư, thương mại hóa 5G.
Giải bài toán thương mại hóa 5G

Hạ tầng tần số đã sẵn sàng

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, đến nay, có 182 quốc gia sử dụng mạng 5G thương mại. Việt Nam là một trong những nước tiên phong cấp phép thử nghiệm 5G, nhưng đến nay vẫn chưa thương mại hóa 5G.

Một trong những ách tắc đầu tiên đã và đang được giải tỏa là hạ tầng tần số dành cho 5G. Theo đó, đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Với nghị định này, vướng mắc về đấu giá băng tần dành cho 4G và 5G sẽ sớm được giải quyết.

Trong một diễn biến mới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 2.300 - 2.400 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Theo đó, việc quy hoạch băng tần 2.300 - 2.400 MHz, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đấu giá để có băng tần triển khai mạng 5G.

Cùng với các động thái này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông, theo hướng mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số.

“Việc cấp phép tần số và cung cấp dịch vụ sẽ được triển khai trong quý IV/2021 để đảm bảo phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2022”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Hiện tại, Việt Nam đã cấp phép thử nghiệm thương mại 5G cho 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone tại Hà Nội và TP.HCM. Vấn đề lớn nhất hiện nay của các nhà mạng là đầu tư lớn, nhưng nhu cầu người dùng còn rất thấp, khiến các nhà mạng do dự. Ngay cả Viettel, nhà mạng từng rất thành công với chiến lược “hạ tầng mạng đi trước”, đầu tư rộng khắp mạng 3G, 4G rồi mới kinh doanh, thì thời điểm này cũng đang rất cẩn trọng.

Sáng kiến mới giúp Việt Nam phủ sóng 5G 100%

Tại Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) đang diễn ra tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang thực hiện giải pháp để thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư. Theo đó, trong giai đoạn đầu phát triển 5G, mỗi nhà mạng phủ sóng 25% diện tích đất nước và thực hiện roaming với nhau để giảm chi phí đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm.

Trên thực tế, trong quá trình triển khai thử nghiệm thương mại 5G, các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đã thống nhất triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G. Rất có thể, thời gian tới, 1.200 trạm BTS sẽ được lắp đặt trạm 5G dùng chung.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, việc thử nghiệm dùng chung mạng 5G sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị vô tuyến cho nhà mạng. Bên cạnh đó, dùng chung hạ tầng 5G còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành, khai thác, bảo trì thiết bị…

Ông Vũ Tuấn Trung, Phó trưởng ban Công nghệ và Quản lý mạng (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) đã đề xuất một số giải pháp về dùng chung hạ tầng mạng 5G. Theo đó, cơ quan nhà nước điều hành cấp phép phân chia khu vực theo hướng chỉ mở chuyển vùng (roaming) 5G tại các khu vực có lưu lượng không cao, dân thưa thớt để các nhà mạng triển khai hạ tầng 5G, bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như đẩy nhanh mở rộng vùng phủ sóng tại Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng ủng hộ phát triển hạ tầng viễn thông theo quy định; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Viễn thông công ích tăng cường đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa.

Còn theo quan điểm của ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, để có thể thương mại hóa 5G nhanh hơn, Việt Nam cần các yếu tố như băng tần phải đủ, công nghệ 5G phải chín muồi và đa dạng dịch vụ 5G, thiết bị đầu cuối phải nhiều và rẻ.

Về vấn đề đầu tư cho hạ tầng 5G, ông Nam cho rằng, với việc triển khai 5G ngày càng nhiều và rộng khắp trên thế giới, giá thành trạm BTS đang khá rẻ, đây là thời điểm chín muồi để đầu tư 5G. Mặt khác, khi xây dựng 5G, nhà mạng Việt Nam có thể tận dụng hạ tầng có sẵn của 4G, như các trạm, mặt bằng, thiết bị…

Có thể thấy, trong bối cảnh chi phí đầu tư tăng cao, doanh thu viễn thông suy giảm, thì bài toán đầu tư 5G không hề đơn giản. Thắt chặt chi tiêu, đầu tư sử dụng chung hạ tầng, mạng lưới đang là giải pháp để các nhà mạng bước đầu thực hiện tại Việt Nam. Nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều giải pháp của bài toán này. Bởi giảm chi phí đầu tư còn nằm ở việc lựa chọn công nghệ, sử dụng thiết bị nước ngoài hay tự sản xuất, tối ưu các chi phí về thị trường, nguồn nhân lực… Đó sẽ là những vấn đề mà nhà mạng phải tính toán trong thời gian tới.

Kết nối di động 5G toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, đạt 429 triệu kết nối vào quý II/2021. Trong quý II/2021, có 10 mạng di động 5G thương mại được triển khai, nâng tổng số mạng 5G thương mại trên toàn cầu lên 182 mạng.

Châu Âu có số lượng mạng 5G được thương mại hóa nhiều nhất (87 mạng), tiếp đến là châu Á (38 mạng). Trong khi đó, châu Phi và châu Đại dương có số lượng mạng 5G được thương mại hóa ít nhất, tương ứng là 5 mạng và 7 mạng.

Nguồn: Công ty Nghiên cứu và Phân tích chiến lược toàn cầu Omdia

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục