Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ ký Nghị định về đấu giá băng tần trong quý 4/2021 để Bộ TT&TT cấp được tần số 4G/5G cho các nhà mạng đầu tư tăng dung lượng và đặc biệt là phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2022.
Từ năm 2017, trước tình trạng lưu lượng băng thông dùng cho 4G trên băng tần 1.800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ 4G, các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone đã kiến nghị đấu giá băng tần 2,6GHz để triển khai cung cấp hạ tầng 4G tốt hơn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ riêng đấu thầu băng tần 2,6 GHz sẽ thu được chừng 6.000 tỷ đồng; nếu năm nay đấu thầu cả các băng tần khác nữa, thì có khi thu đến 8.000 tỷ đồng, thậm chí 10.000 tỷ đồng
Tuy nhiên, gần 5 năm nay, việc đấu giá băng tần 4G vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân chậm trễ kéo dài, theo Bộ Thông tin và Truyền thông là trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công, nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới.
Cùng với đó, vấn đề xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng đang là vấn đề khó khăn, do đây là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược hạ tầng số Việt Nam đặt mục tiêu xếp hạng Top 30 thế giới trước năm 2025, như vậy các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ có hạ tầng số hiện đại để phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu 100% người dân dùng điện thoại thông minh vào năm 2023.
Về tần số 5G, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đều đang thử nghiệm 5G và chờ đấu giá tần số này để chính thức cung cấp dịch vụ.