Giải bài toán “thuê tổng giám đốc ngoại” cho doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành người nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên cho doanh nghiệp nhà nước đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Chưa có đủ cơ chế để thuê CEO ngoại cho các doanh nghiệp nhà nước Chưa có đủ cơ chế để thuê CEO ngoại cho các doanh nghiệp nhà nước

Đây là thông điệp được quan tâm hơn cả tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với hơn 150 lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mới đây. Không chỉ có các nhân sự cấp cao nước ngoài, hiện Việt Nam cũng có rất nhiều nhân sự Việt giỏi giang và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến triển khai trong thực tế có không ít vấn đề cần giải quyết.

Yếu tố cần

Phó tổng giám đốc thường trực một liên doanh lớn với Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị vệ sinh khi bàn về câu chuyện này đã kể về nghề chăm nuôi cá cảnh. Ông nói, chơi cá cảnh không phải chơi cá, mà chính là chơi nước, am hiểu môi trường nước, thành phần nước, biết cách giữ thành phần nước có lợi cho con cá.

Để đưa ứng viên X,Y,Z vào một tổ chức, không chỉ doanh nghiệp nhà nước nói riêng mà cả các doanh nghiệp nói chung cũng cần nhiều điều kiện, nhất là khi người đứng đầu tổ chức là người nước ngoài.

Từ một nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, doanh nghiệp này đến nay đã có 5 nhà máy trên khắp cả nước. Theo vị phó tổng giám đốc trên, bên cạnh CEO giỏi, doanh nghiệp cũng cần những người đứng giữa giỏi, có khả năng ngôn ngữ tốt, có trải nghiệm, lan tỏa được các thông điệp và ý chí của họ tới cán bộ cấp dưới.

Việc có được người phù hợp và môi trường phù hợp để họ phát huy cũng rất quan trọng, đặc biệt là môi trường và hệ thống các quy định, chính sách vĩ mô.

Chia sẻ quan điểm này, trưởng ban nhân sự một doanh nghiệp nhà nước cho biết, nếu không có quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao từ cấp trên sẽ khó có thể thực hiện được việc thuê tổng giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước. Hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước trải qua 5 bước, rất chặt chẽ, với yêu cầu bắt buộc ứng viên phải là đảng viên.

Ý tưởng xem xét thí điểm thuê giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên cho doanh nghiệp nhà nước đã từng được đưa ra nhiều năm trước. Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, một số văn bản của cấp có thẩm quyền đã cho phép tổ chức thí điểm hội đồng quản trị một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước ký hợp đồng thuê tổng giám đốc điều hành không phải là đảng viên, có thể là người nước ngoài.

Thời điểm đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm xong đề án, nhận các hồ sơ của ứng viên để xem xét, tuyển chọn vị trí tổng giám đốc điều hành. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó không thành bởi Vinashin khó khăn, phải tái cơ cấu và thay đổi rất nhiều. Mô hình thí điểm sau đó cũng không được đơn vị nào sử dụng.

Thực tế cũng cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, nếu doanh nghiệp, người điều hành doanh nghiệp làm sai, chọn một bước đi sai thì doanh nghiệp có thể đi lùi, thậm chí bên bờ phá sản. Bởi thế, câu chuyện chọn người đứng đầu doanh nghiệp luôn được quan tâm và có vai trò quan trọng với sự phát triển của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà ở tất cả các doanh nghiệp.

Thực tế khó lường

Gần 10 năm trước, FPT gặp khó khăn trong câu chuyện kiếm tổng giám đốc. Thế hệ những người sáng lập như ông Trương Gia Bình, Đỗ Cao Bảo, Bùi Quang Ngọc… đã có tuổi. Vị trí tổng giám đốc được trao cho ông Trương Đình Anh, một “tướng trẻ” sinh năm 1972, được coi là người có tài, gắn bó với FPT từ khi ra trường, khai mở mảng viễn thông cho Tập đoàn. Ông Trương Đình Anh cũng là một trong những người sáng lập VnExpress khi cả Việt Nam chưa có báo điện tử. Tuy nhiên, ông lại không điều hành được FPT thành công như kỳ vọng, kỷ luật sắt mà ông đặt ra khiến cả Tập đoàn “ngột ngạt”. Cuối cùng, ông Trương Gia Bình phải để cháu (là ông Trương Đình Anh nghỉ), chuyển ghế Tổng giám đốc cho ông Bùi Quang Ngọc, sau đó là ông Nguyễn Thành Nam.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Khoa, một cộng sự xuất sắc của ông Trương Đình Anh trước đây, sinh năm 1976 đảm nhận “ghế nóng”. Ông Khoa “nói được, làm được, chơi được” đã góp phần cùng các lãnh đạo trẻ khác của FPT kế nhiệm thành công và đưa FPT bước sang giai đoạn phát triển rực rỡ. Tất nhiên, FPT cũng có may mắn là ông Trương Gia Bình vẫn là người năng động và bán hàng giỏi nhất của Tập đoàn.

Câu chuyện tìm tổng giám đốc của FPT từng là chủ đề được cổ đông chất vấn sâu tại một kỳ đại hội cổ đông của tập đoàn này. Ông Bình nói, FPT kiếm nhiều ứng viên nước ngoài nhưng đều thấy không phù hợp. Ứng viên trong nước thì cũng đỏ mắt tìm vì ít doanh nghiệp có quy mô lớn và có đặc thù như FPT. Cuối cùng, đành chọn cách đào tạo và kiếm người trong nhà.

Chuyện ghế CEO cũng đang là chủ đề nóng ở PVI Holdings. Nguyễn Xuân Hoà, CEO hiện tại của Công ty đã được PVN điều động đảm nhận ghế Chủ tịch Công ty cổ phần Phân bón Phú Mỹ.

PVN cử người đảm nhận ghế CEO PVI là ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng ban Tổng hợp PVN thay thế ông Hoà. Tuy nhiên, ông này lại không được cổ đông lớn HDI tại PVI ủng hộ. Lý do là ông Hoàng từng lãnh đạo Công ty cổ phần Tài chính Công đoàn Dầu khí. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn nhiều PVI, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ.

HDI tiến cử người trong doanh nghiệp là ông Phùng Tuấn Kiên, Phó tổng giám đốc PVI thay thế ông Hoà. Tuy nhiên, PVN lại không ủng hộ ông Kiên.

Theo điều lệ Công ty, ghế tổng giám đốc phải được 65% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua. Hiện HDI sở hữu 51%, PVN sở hữu 36%. Bởi thế, khi hai bên không đồng thuận, PVI không thể có được CEO mới.

Với vị trí nhân sự cấp cao là các tổng giám đốc, nhất là ở doanh nghiệp nhà nước, thu nhập, lương thưởng chỉ là một yếu tố để ứng viên xem xét, không phải là yếu tố quyết định để họ có thay đổi môi trường làm việc hay không.

Họ còn cần những cơ chế, quy định làm rõ mối quan hệ giữa giám đốc điều hành với hội đồng quản trị và tổ chức đảng của doanh nghiệp, bởi giải quyết được mối quan hệ này thì mới có cơ chế làm việc phù hợp. Khi không có cơ chế rõ ràng, giám đốc điều hành khó có thể xoay xở, khó có thực quyền quyết định hoạt động sản xuất - kinh doanh và các vấn đề khác của doanh nghiệp.

Với nhiều yếu tố cần và đủ, cũng như thực tế phức tạp của việc thuê tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp lớn, giới chuyên gia cho rằng, trước mắt có thể lựa chọn 1 - 2 doanh nghiệp nhà nước có hoạt động sản xuất - kinh doanh để thí điểm. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần tổng kết, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng để quyết định có nhân rộng mô hình này hay không.

Thủy Anh - Huy Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục