Giải bài toán hút vốn ngoại từ quản trị công ty

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nâng cao chất lượng quản trị công ty là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mặt bằng quản trị công ty Việt Nam đang ở cấp độ thấp nhất trong Top6 ASEAN. Đây cũng là lời giải cho bài toán thu hút vốn ngoại.
Các diễn giả chia sẻ góc nhìn tại Diễn đàn Quản trị công ty thường niên lần thứ 7. Các diễn giả chia sẻ góc nhìn tại Diễn đàn Quản trị công ty thường niên lần thứ 7.

Cải thiện quản trị công ty, yêu cầu bức thiết

Tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7, do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức cuối tuần qua, VIOD cho biết, mặt bằng quản trị công ty nói chung và quản trị công ty gắn với ESG của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN có nền kinh tế phát triển hơn và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS).

Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1726 ngày 29/12/2023 đặt mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á.

Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, nâng cao chất lượng quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong thu hút vốn đầu tư các quỹ quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

“Các nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư quốc tế đang dịch chuyển các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp thực thi các chuẩn mực quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Đó cũng là nền tảng tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững”, ông Thu nhấn mạnh.

Theo đánh giá của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD, trong bức tranh lớn ESG, trước đây, tiêu chí E (Environment – môi trường) là “tiêu cự gần nhất trong ống kính của các lãnh đạo doanh nghiệp”, nhưng tiêu cự trung và dài hạn sẽ nhắm vào chữ G (Governance – quản trị công ty).

Bà Thanh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chung sức, tiến tới mục tiêu giá trị quản trị công ty là giá trị thực chất. Các nhà tư vấn đều coi quản trị công ty là năng lực cạnh tranh mềm của doanh nghiệp, bên cạnh năng lực cạnh tranh cứng là chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá thành và nhiều yếu tố khác.

“Chìa khóa” thu hút vốn

Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN thông tin, theo McKinsey và World Bank, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10 - 20% và có chi phí vốn thấp hơn 10 - 15% khi gọi vốn. Điều này minh chứng cho việc quản trị công ty tốt không phải là điều kiện cần, mà là điều kiện sống còn.

Quản trị công ty tốt, theo bà My, cốt lõi là quản trị đổi mới, sáng tạo và quản trị rủi ro, không chỉ là vấn đề sống còn với các doanh nghiệp, mà là tiêu chí quan trọng để các ngân hàng, quỹ đầu tư đánh giá về chất lượng của một doanh nghiệp, một khoản đầu tư.

Thông tin được ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, ông từng tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư (là khách hàng của mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư của HSC), họ dành sự quan tâm tới các yếu tố phi tài chính như quản trị công ty hơn là yếu tố tài chính. Thường thì những công ty bán vốn với giá cao đều là công ty có quản trị tốt.

Theo CEO HSC, hiện tại, các nhà đầu tư quan tâm 5 vấn đề chính của quản trị doanh nghiệp: quản trị rủi ro, minh bạch, các quản lý về xung đột lợi ích, áp dụng những thực tiễn tốt trong vận hành và có nhiều hơn lợi ích trực tiếp (tức về môi trường, trách nhiệm xã hội…).

“Doanh nghiệp muốn thu hút đầu tư cũng như học sinh phải đáp ứng đủ yếu tố: một là giỏi, hai là ngoan”, ông Giang ví von.

Bà Kasturi Nathan, chuyên gia cao cấp về chiến lược, quản lý rủi ro và giao dịch, Deloitte Đông Nam Á cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quản trị tốt là lợi thế hàng đầu của doanh nghiệp trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Chuyên gia Deloitte phân tích, trong thế giới nơi niềm tin của nhà đầu tư đặt vào mức độ tin cậy và trách nhiệm giải trình, các khung quản trị vững chắc có thể xem là tín hiệu cho uy tín - yếu tố tối quan trọng để tạo ra giá trị lâu dài.

Quản trị công ty tốt giúp cải thiện hiệu suất hoạt động, quản lý hiệu quả và đảm bảo việc ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ; tăng cường lợi thế cạnh tranh; giảm chi phí vốn và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nâng cao giá trị thị trường và triển vọng tăng trưởng tốt hơn; cải thiện khả năng giữ chân nhân sự chủ chốt…

Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital:

Chữ G là đại diện cho tính minh bạch, trách nhiệm, hợp lý. Nhà đầu tư trách nhiệm khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp sẽ xây dựng bảng đánh giá như: cơ cấu tổ chức hội đồng quản trị, trách nhiệm hội đồng quản trị, phân tách trách nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị với tổng giám đốc, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập, hay các tiểu ban trong hội đồng quản trị…; vai trò của hội đồng quản trị liên quan đến chiến lược chính sách.

Còn nhiều vấn đề khác ở Việt Nam chưa coi trọng như quản trị rủi ro, biến động môi trường, công bố thông tin và nhiều vấn đề khác.

Với Dynam Capital, thông tin ngoài tài chính mang trọng số khoảng 50%, tức với công ty có tài chính tốt chưa chắc là khoản đầu tư tốt.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục