Thực hành ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank chia sẻ, Agribank có lượng khách hàng tín dụng xanh lớn nhất trong hệ thống với 42.485 khách hàng, trong đó hơn 41.000 khách hàng lĩnh vực nông nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ngày 19/11/2024, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”. Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank cho biết, việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng bao trùm toàn thế giới. Tuy nhiên, ESG trong hoạt động ngân hàng có nhiều khác biệt so với các doanh nghiệp khác.

“Tín dụng xanh được coi là giải pháp tài chính hiệu quả để giải quyết vấn đề môi trường và xã hội. Nhưng có thể khẳng định, ESG không chỉ là tín dụng dụng xanh, ngân hàng cần triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột ESG để đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn diện”, bà Hà chia sẻ.

TS. Đào Minh Tú (thứ 3từ trái qua), Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh
TS. Đào Minh Tú (thứ 3từ trái qua), Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Theo bà Hà, sự cần thiết tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại được thể hiện tại một số vấn đề.

Thứ nhất, quản trị danh tiếng của ngân hàng: Ngân hàng có những hoạt động hướng tới ESG có thể xây dựng danh tiếng tốt đối với Chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng, đối tác, người lao động và cộng đồng, từ đó tăng trưởng doanh số, quy mô hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Ngày càng có nhiều tổ chức độc lập đánh giá và báo cáo về việc thực hiện ESG của các công ty, ngân hàng. Những nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và những bên quan tâm khác thường tham khảo những báo cáo độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư.

“Trong 2 năm gần đây, các đơn vị xếp hạng độc lập như Moody’s, Fitch Rating… đã chấm điểm riêng với các báo cáo phát triển bền vững, đánh giá rủi ro… Theo đó, áp dụng quy trình quản lý ESG góp phần nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng”, bà Hà cho biết.

Thứ hai, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh: Phát triển bền vững thông qua ESG là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam. Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, phù hợp với sự vận động trong tương lai của nền kinh tế như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, các sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh bền vững, tham gia vào thị trường carbon...đưa ngân hàng vào thế chủ động đón đầu xu hướng mới và tạo ra các sản phẩm tiên phong mang tính cạnh tranh cao.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro: Việc nhận diện các nhân tố rủi ro ESG phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và sự quan tâm của từng TCTD. Các yếu tố ESG mà TCTD nhận diện có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực một cách trực tiếp/gián tiếp đến hệ thống tài chính ngân hàng.

Thứ tư, mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới: Các ngân hàng tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh sẽ có lợi thế trong việc thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu chuyển đổi, đồng thời đảm bảo mối quan hệ kinh doanh bền vững với khách hàng. Điều này có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh, tạo ra các dòng doanh thu mới. Việc áp dụng ESG, ngân hàng cần phải ban hành các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần mở rộng thị trường, tạo cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh.

Về thực tế triển khai tại Agribank, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank cam kết triển khai tiêu chí môi trường đồng bộ trong toàn bộ hoạt động của Agribank, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch, công nghệ cao” với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi với đối tượng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai hỗ trợ tín dụng đối với đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ…

“Với các hoạt động đã và đang triển khai, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ.

Tăng trưởng tín dụng xanh bình quân toàn ngành ở mức 14% và con số này tại Agribank là 12%. Tuy nhiên, Agribank có lượng khách hàng tín dụng xanh lớn nhất với 42.485 khách hàng, trong đó hơn 41.000 khách hàng lĩnh vực nông nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Agribank được các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)... đánh giá cao trong việc thực hiện giải ngân cho vay, phục vụ các Dự án ODA. Agribank đã tiếp cận thành công và tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường với tổng nguồn vốn gần 6.500 tỷ đồng; 03 Hợp đồng tài trợ của EIB (các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng); 02 Dự án trong lĩnh vực phát triển khí sinh học, hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp do ADB tài trợ…

Liên quan tới tiêu chuẩn xã hội, Agribank đã tích cực triển khai hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ cộng đồng. Chẳng hạn, ngay sau cơn bão số 3 (bão Yagi), Agribank đã có nhiều hành động tích cực và kịp thời rà soát các khoản thiệt hại, cơ cấu lại nợ, giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Ngân hàng chú trọng nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội đối với người lao động, tăng cường vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo…

Với trụ cột quản trị, tháng 7/2023, Chủ tịch HĐTV Agribank đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG tại Agribank và thường xuyên rà soát, bổ sung nhân sự Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc kịp thời.

“Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, với số lượng khách hàng lớn, khung pháp lý về triển khai ESG chưa cụ thể, một số chỉ tiêu không bắt buộc phải tuân thủ nên việc triển khai ESG của Agribank cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Nhờ có nhiều sáng kiến trong triển khai ESG, Agribank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã chấm điểm tín dụng ESG (CIS) của Agribank năm 2023 đạt kết quả ở mức CIS 2, mức cao nhất trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam”, bà Hà cho biết.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục