Giấc mơ triệu căn hộ bình dân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về những chính sách, giải pháp ổn định lại thị trường bất động sản. 
Giấc mơ triệu căn hộ bình dân

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, trong đó lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng và Tổ phó. Tổ công tác đã triển khai nhiệm vụ đến đâu, thưa Thứ trưởng?

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Qua làm việc, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cơ bản như sau: Thứ nhất, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…

Thứ hai, khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương. Thứ ba là khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu. Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung bất động sản và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Trong quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương.

Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, Tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết. Theo đó, giao các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có văn bản gửi địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn ngay các nội dung thuộc thẩm quyền. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ các nội dung liên quan đến xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản…

Cùng với đó, Tổ công tác có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị.

Đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổ công tác tiếp tục tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Để phát triển thị trường bất động sản trong dài hạn, cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan, điều này được lãnh đạo Bộ Xây dựng nhiều lần nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội và các hội nghị về thị trường bất động sản. Bộ sẽ triển khai giải pháp này thế nào, thưa ông?

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững thì một trong những giải pháp hết sức quan trọng là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan.

Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hiện nay, cơ cấu nguồn cung bất động sản đang có sự chênh lệch, thiếu trầm trọng các sản phẩm thuộc phân khúc cho người thu nhập thấp. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để giúp cân bằng thị trường và đảm bảo quyền tiếp cận nhà phân khúc này cho người dân?

Thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Chẳng hạn, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cho đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2; 401 dự án đang tiếp tục triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn..., dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Những nội dung này cũng đã được Thủ tướng chỉ ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp vào ngày 1/8/2022.

Theo đó, tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, trên cơ sở báo cáo của các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Xin Thứ trưởng cho biết hành động cụ thể của Bộ Xây dựng để có thể triển khai thành công đề án này?

Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo, nghiên cứu các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương và xin ý kiến các bộ, ngành hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tại Đề án, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.

Đồng thời, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ đã nghiên cứu xây dựng đề án và xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.416.700 căn (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn) và giao trách nhiệm các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.

Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp chính quyền, địa phương sẽ có cơ sở để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo Thứ trưởng, có những yếu tố tiền đề nào để tin tưởng rằng thị trường bất động sản sẽ ổn định và phát triển trở lại trong năm 2023?

Mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức, tuy nhiên, năm 2023 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh.

Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021 - 2022, việc thành lập Tổ công tác để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Thứ hai, xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất - kinh doanh, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trở lại.

Thứ ba, việc Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm kế hoạch đầu tư công định kỳ cộng với chương trình phục hồi) chắc chắn sẽ tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản phát triển.

Cuối cùng, bối cảnh vĩ mô ổn định của Việt Nam cùng với đà tăng trưởng cao của nền kinh tế (GDP tăng khoảng 8,02% trong năm 2022 và dự kiến đạt 6,5% trong năm 2023) sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư và là động lực để phát triển thị trường bất động sản.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục