Sau phiên nghỉ lễ lao động đầu tuần, phố Wall đã trở lại và sắc xanh tiếp tục được duy trì, trong đó chỉ số Nasdaq lên mức cao kỷ lục khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố cuối tuần trước không ủng hộ cho việc Fed tăng lãi suất.
Ngoài ra, theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số ISM trong n lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 8 giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất.
Ngoài ra, trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, phố Wall còn được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu năng lượng. Mặc dù giá dầu giảm trở lại, nhưng thông tin về việc Enbridge mua lại Spectra Energy với giá 28 tỷ USD đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu năng lượng. Chỉ số S&P năng lượng tăng tới 1,5% trong phiên này.
Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones tăng 46,16 điểm (+0,25%), lên 18.538,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,50 điểm (+0,30%), lên 2.186,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,01 điểm (+0,50%), lên 5.275,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Đức hồi phục nhẹ trở lại, còn lại chứng khoán Anh và Pháp tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba khi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ tiếp tục được công bố. Cùng với đó là nhóm cổ phiếu năng lượng trên sàn châu Âu giảm theo đà giảm của giá dầu thô Brent cũng tác động tiêu cực tới các chỉ số.
Kết thúc phiên 6/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 53,37 điểm (-0,78%), xuống 6.826,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,92 điểm (+0,14%), lên 10.687,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 11,12 điểm (-0,24%), xuống 4.529,96 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ mở rộng chương trình kích thích kinh tế, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi thị trường Mỹ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông với kỳ vọng về dòng tiền lớn từ Trung Quốc đại lục tiếp tục chuỗi phiên khởi sắc của mình.
Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 44,35 điểm (+0,26%), lên 17.081,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 138,13 điểm (+0,58%), lên 23.787,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 18,61 điểm (+0,61%), lên 3.090,71 điểm.
Sau khi lình xình trong phiên đầu tuần và trong giờ giao dịch châu Á, châu Âu trong phiên thứ Ba, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 3 tuần khi bước vào phiên giao dịch Mỹ sau dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan được công bố.
Kết thúc phiên 6/9, giá vàng giao ngay tăng 22,7 USD (+1,71%), lên 1.349,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 27,3 USD (+2,06%), lên 1.354,0 USD/ounce.
Sau khi tăng mạnh 2 phiên liên tiếp do hỗ trợ bởi thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh hơn dự kiến và thỏa thuẩn về đóng băng sản lượng giữa Nga và Ả Rập Xê út, giá dầu đã điều chỉnh trở lại sau khi Iran cho biết sẽ tăng sản lượng xuất khẩu, trong khi thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê út không phải thực thi ngay thời điểm này, theo Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út.
Kết thúc phiên 6/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,39 USD/thùng (+0,86%), lên 44,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,78%), xuống 47,26 USD/thùng.