Chứng khoán châu Á miễn nhiễm với việc Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Ba năm trước, tài sản của các thị trường đang phát triển chấn động sau khi Fed lần đầu tiên bóng gió về kế hoạch dừng các chương trình thu mua tài sản, kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE). Còn lần này, những tín hiệu rõ ràng về khả năng tăng lãi suất chưa tạo ra những tác động tâm lý rộng lớn.
 
Tín hiệu tăng lãi suất từ Fed dược phát đi, nhưng chứng khoán châu Á vẫn giữ được sự ổn định Tín hiệu tăng lãi suất từ Fed dược phát đi, nhưng chứng khoán châu Á vẫn giữ được sự ổn định

Graham Harman, nhà chiến lược đầu tư cao cấp tại Russell Investments (hãng hiện đang quản lý số tài sản đầu tư lên tới 242 tỷ USD) nhận định: “Thông thường, bạn có thể nghĩ rằng việc đồng USD mạnh hơn không phải là tin tốt lành cho khu vực châu Á, bởi lẽ điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn hơn cho các nhà đi vay trong khu vực khi phải xoay xở trả những khoản nợ định giá bằng đồng USD. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh cũng sẽ đẩy dòng vốn chảy khỏi khu vực khi các tài sản định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Harman, các thị trường hiện nay vẫn tương đối lạc quan trước kịch bản Fed tăng lãi suất. Ông cho rằng, trong bối cảnh lãi suất tại các thị trường phát triển vẫn ở mức gần 0%, thậm chí trong ngưỡng lãi suất âm, châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế đang nổi là một khu vực ghi nhận lợi suất đầu tư hấp dẫn, nơi tỷ lệ giá/lợi nhuận có thể có mức chiết khấu lên tới 30% so với thế giới đang phát triển. Đây thực sự là khởi đầu rất tốt trên phương diện phân tích số liệu đầu tư.

Thị trường đang bắt đầu đánh giá về viễn cảnh thay đổi chính sách tiền tệ sau Hội nghị thường niên các thống đốc ngân hàng trung ương vừa qua ở Jackson Hole, Wyoming. Tại hội nghị này, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen đã mở ra cánh cửa về khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất ngay trong tháng 9 tới, khi bà nhấn mạnh rằng, các điều kiện cần để tiến hành bước đi này đã được củng cố trong những tháng gần đây.

Giới quan sát đánh giá số liệu khả quan trong lĩnh vực tiêu dùng tháng Bảy, cùng với những tín hiệu tích cực phát đi từ các báo cáo khác về cán cân thương mại, sản lượng công nghiệp, hoạt động xây dựng trên thị trường nhà ở đều chỉ dấu đáng tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2016, qua đó tạo thuận lợi hơn cho Fed trong việc nâng lãi suất.

Mặc dù bà Yellen chưa nói rõ thời điểm cụ thể Fed sẽ nâng lãi suất, song bản thân Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer cho biết, bình luận của bà Yellen là nhất quán với những gì Fed đang cân nhắc trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC – cơ quan hoạch định chính sách đầu não của Fed) diễn ra trong hai ngày 20 - 21/9 tới. Trước đó, hầu hết các chuyên gia dự đoán tháng 12/2016 hoặc tháng 2/2017 sẽ là thời điểm thích hợp hơn để Fed nâng lãi suất.

Tuy nhiên, kịch bản tăng lãi suất và các tín hiệu rõ ràng nói trên không hề tạo ra những tác động tiêu cực đối với các thị trường. Chứng khoán châu Á đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì sự ổn định, trong khi đồng nội tệ của các nền kinh tế đang phát triển đang ghi nhận “màn trình diễn” tích cực.

Diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay trái ngược hoàn toàn với thời điểm năm 2013, khi Fed lần đầu tiên đưa ra thông điệp dừng gói QE. Thời điểm đó đã ghi nhận 14,1 tỷ USD bốc hơi khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường đang phát triển.

Sat Duhra, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư chiến lược châu Á tại Henderson Global Investors nhận định, các thị trường đang phát triển hiện trong vị thế tốt hơn so với năm 2013. Tại thời điểm đó, tình hình tại châu Á không khả quan và trên một số khía cạnh có thể coi là tiêu cực. Đáng chú ý, một số nền kinh tế như Ấn Độ và Indonesia phải đối mặt với tình trạng lạm phát rất cao và thâm hụt tài khoản vãng lai sâu sắc.

“Mọi chuyện đã chuyển biến tốt kể từ đó. Vì thế, những bất ổn mà chúng ta từng chứng kiến sẽ không lặp lại lúc này”, ông Duhra cho biết.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục