Chứng khoán, giá vàng hạ nhiệt, dầu thô nhiều biến động

(ĐTCK) Chứng khoánạ nhiệt trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau khi có phiên khởi sắc cuối tuần trước. Trong phiên này, giá vàng chỉ lình xình do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch, trong khi dầu thô có phiên giao dịch đầy biến động với thông tin từ Hội nghị G20.
Chứng khoán, giá vàng hạ nhiệt, dầu thô nhiều biến động

Trong khi thị trường Mỹ nghỉ giao dịch phiên đầu tuần mới, thì chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh nhẹ trở lại sau phiên khởi sắc cuối tuần trước sau dữ liệu việc làm kém khả quan của Mỹ.

Việc các thị trường chứng khoán châu Âu quay đầu giảm nhẹ trong phiên đầu tuần mới còn xuất phát từ thông tin kinh tế kém khả quan của khu vực.

Cụ thể, một cuộc khảo sát cho thấy, tăng trưởng kinh doanh trong tháng 8 của khu vực đồng euro đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm ngoái, cho thấy nền kinh tế khu vực đã đánh mất những gì đã có ít ỏi của những nỗ lực trước đó.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,18 điểm (-0,22%), xuống 6.879,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 11,6 điểm (-0,11%), xuống 10.672,22 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,09 điểm (-0,02%), xuống 4.541,08 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thẩm thấu dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ sau chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán Nhật Bản đã vọt tăng khá mạnh ngay khi mở đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà tăng hạ nhiệt dần về cuối phiên khi đồng yên tăng trở lại do giới đầu tư thất vọng về động thái của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Giới đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế, nhưng Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda lại chưa phát đi tín hiệu rõ ràng về việc mở rộng chương trình kích thích kinh tế. Sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông tin tưởng Kuroda để “thực hiện đúng cách”.

Dù mức tăng đã bị hạn chế bớt, nhưng chỉ số Nikkie 225 vẫn đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới ở mức cao nhất hơn 3 tháng.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục thăng hoa với kỳ vọng về dòng tiền sẽ chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục vào thị trường này sau khi có sự kết nối giữa sàn Hồng Kông và Thâm Quyến.

Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,95 điểm (+0,66%), lên 17.037,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 382,85 điểm (+1,65%), lên 23.649,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,6 điểm (+0,15%), lên 3.072,10 điểm.

Trên thị trường vàng, do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch, nên giá vàng chỉ lình xình ở sát trên ngưỡng 1.325 USD/oune trong suốt phiên đầu tuần trên cả thị trường châu Á và châu Âu. Dù vậy, giá kim loại quý này vẫn có phiên tăng tiếp theo.

Kết thúc phiên 5/9, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD (+0,14%), lên 1.326,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,1 USD (-0,16%), xuống 1.326,7 USD/ounce.

Trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô đã tăng vọt 5% sau khi 2 nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là Ả Rập Xê út và Nga đề cập đến thỏa thuận để ổn thị trường dầu mỏ, bao gồm cả việc hạn chế sản lượng. Tuy nhiên, giá dầu thô hạ nhiệt ngay tức thì khi thỏa thuận này không phải thực hiện ngay.

Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Trung Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid al-Falih nói với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng: “đóng băng sản lượng là một trong những khả năng đề cập tới, nhưng nó không xảy ra đặc biệt là ngay lúc này.

Kết thúc phiên 5/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,71 USD/thùng (+1,60%), lên 45,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,71 USD (+1,52%), lên 47,54 USD/thùng. Có thời điểm, giá dầu thô Mỹ đã leo lến mức 46,53 USD/thùng và giá dầu thô Brent đã vọt lên mức 49,40 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục