Dữ liệu về doanh số nhà ở tăng mạnh vừa công bố trước đó càng củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất, khiến giới đầu tư càng trở nên thận trọng.
Thị trường đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen tại Jackson Hole, Wyoming, hôm thứ Sáu này để có cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của cơ quan này.
Lo ngại trên khiến phố Wall quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Tư. Bên cạnh đó, sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vật liệu và y tế cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Dow Jones giảm 65,82 điểm (-0,35%), xuống 18.481,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,46 điểm (-0,52%), xuống 2.175,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,38 điểm (-0,81%), xuống 5.217,69 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại tăng điểm trong phiên thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn, ngoại trừ chứng khoán Anh giảm điểm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ hãng khai mỏ Glencore.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,73 điểm (-0,48%), xuống 6.835,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,09 điểm (+0,28%), lên 10.622,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,02 điểm (+0,32%), lên 4.435,47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong phiên thứ Tư nhờ đồng yên giảm, nhưng đà tăng không lớn khi giới đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần do lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng tới.
Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 99,94 điểm (+0,61%), lên 16.597,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 178,15 điểm (-0,77%), xuống 22.820,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,83 điểm (-0,12%), xuống 3.085,88 điểm.
Cũng lo sợ Fed tăng lãi suất, giá vàng đã giảm mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 4 tuần. Ngoài ra, các “yếu tố bên ngoài” cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu, như đồng USD hồi phục, giá dầu thô giảm.
Kết thúc phiên 24/8, giá vàng giao ngay giảm 13,1 USD (-0,98%), xuống 1.323,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 16,4 USD (-1,22%), xuống 1.329,7 USD/ounce.
Sau khi hồi phục trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã điều chỉnh mạnh trở lại trong phiên thứ Tư sau khi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng thêm 2,5 triệu thùng, so với dự báo giảm 500.000 thùng của giới chuyên gia. Cũng theo EIA, kho dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng tăng
Kết thúc phiên 24/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,33 USD/thùng (-2,77%), xuống 46,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,91 USD (-1,82%), xuống 49,05 USD/thùng.