Định danh mã cổ phiếu, có thể khác được không?

(ĐTCK) Vào thế kỷ 19, Thomas Edison đã sáng tạo ra chiếc máy có thể chuyển giá và thông tin cổ phiếu đi mọi nơi trên nước Mỹ. Tương tự như điện báo hay mã Morse, máy này sử dụng các ký tự viết tắt để thể hiện tên gọi của cổ phiếu. Ví dụ, ký tự X sẽ được dùng để chỉ US Steel. Đây là lịch sử và định nghĩa thực tế đầu tiên về mã cổ phiếu.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Quốc tế định danh mã cổ phiếu như thế nào?

Cách dùng ký hiệu và khuôn mẫu của mã cổ phiếu phụ thuộc vào thông lệ, quy định tại mỗi TTCK. Tại Mỹ, mã cổ phiếu thường có từ 1- 4 chữ cái. Ví dụ, công ty sản xuất xe hơi Ford giao dịch tại sàn New York có mã là F; trong khi AAPL là mã cổ phiếu của Apple Inc tại sàn NASDAQ.

Hệ thống sử dụng các mã cổ phiếu này được phát triển bởi Standard & Poor’s (S&P 500) và giới chức thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm tiêu chuẩn hóa các ký tự, giúp đỡ hoạt động đầu tư của giới đầu tư. Tuy nhiên, việc đặt tên các mã này không được tiêu chuẩn hóa.

Một số công ty sử dụng sản phẩm đặc trưng làm mã chứng khoán, chẳng hạn, hãng bia InBev với sản phẩm nổi tiếng nhất là bia Budweiser, đã sử dụng mã BUD để giao dịch tại Mỹ. Trong khi đó, Southwest Airlines có trụ sở chính tại Love Field đã dùng mã LUV để giao dịch. Thậm chí, Cedar Fair Entertainment Company, Công ty sở hữu rất nhiều công viên giải trí tại Mỹ, đã sử dụng mã giao dịch là FUN – vui vẻ.

Đôi khi, mã cổ phiếu phản ánh biến động hợp nhất – sáp nhập của các công ty. Chẳng hạn, năm 1999, khi Mobil Oil và Exxon sáp nhập, mã cổ phiếu của công ty sau sáp nhập là XOM. Bên cạnh đó, một số mã cổ phiếu có thể được tái sử dụng. Chẳng hạn, tháng 3/2008, Visa Inc đã sử dụng ký tự V là mã cổ phiếu. Mã này trước đó được sử dụng bởi Vivendi, tuy nhiên, công ty này sau đó đã hủy niêm yết.

Để tránh những phức tạp và nhầm lẫn có thể xảy ra, vào tháng 7/2007, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) cho phép các công ty đang niêm yết tại sàn New York, chuyển sang sàn NASDAQ và không cần phải thay đổi mã cổ phiếu.

Bên cạnh đó, phía sau mã cổ phiếu của các công ty có thể có thêm một số ký tự đặc biệt thể hiện tính chất của cổ phiếu, như A cho cổ phiếu hạng A; C cho cổ phiếu giao dịch tại cả NYSE và NASDAQ; E cho cổ phiếu từng bị cảnh báo; F cho cổ phiếu nước ngoài…

Tại châu Âu, đa phần các sàn giao dịch chứng khoán sử dụng mã cổ phiếu có 3 ký tự, như công ty sản xuất hàng gia dụng Unilever giao dịch tại sàn Amsterdam Euronext với mã UNA.

Tại Vương quốc Anh, cho tới năm 1996, các mã chứng khoán được gọi là EPICs, viết tắt của Exchange Price Information Computer. Sau năm 1996, EPICs được đổi tên thành TIDM (Tradable Instrument Display Mnemonics) – (hệ thống thuật ngữ thể hiện các công cụ có thể mua bán), nhưng về bản chất vẫn giữ nguyên hệ thống mã cổ phiếu. Bên cạnh đó, cổ phiếu có thể được thể hiện bằng mã SEDOL (Stock Exchange Daily Official List) hoặc mã ISIN.

Trong khi đó, tại châu Á, các con số thường được sử dụng để tạo mã chứng khoán, nhằm tránh sự nhầm lẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, tới từ các quốc gia không sử dụng chữ tượng hình. Ví dụ, Ngân hàng HSBC giao dịch tại sàn chứng khoán Hong Kong với mã là 0005; Jardince C&C giao dịch tại Singapore với mã C07; Toshiba Corp giao dịch tại Nhật Bản với mã là 6502... 

ISIN

Một trong những nhược điểm của việc sử dụng mã cổ phiếu là các mã này phụ thuộc vào từng sàn giao dịch khách nhau và có thể thay đổi, dẫn tới nhầm lẫn cho giới đầu tư. Vì vậy, một hệ thống mã khác đã được xây dựng tại các thị trường tài chính nhằm xác định cổ phiếu của một công ty nhất định.

Hệ thống thông dụng tương đương với mã cổ phiếu hiện tại là ISIN (International Securities Identifying Number). Một mã ISIN duy nhất sẽ đồng nhất mã chứng khoán của một công ty tại nhiều thị trường khác nhau và cấu trúc của mã được định nghĩa tại ISO 6166. Theo đó, mã ISIN sẽ bao gồm 2 chữ cái mã hóa cho tên quốc gia, 9 chữ số thể hiện tên mã chứng khoán và 1 chữ số kiểm tra.

Mã ISIN được dùng để thể hiện cả trái phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu và chứng quyền. Mã này được dùng để xác định cổ phiếu, không xác định nó được giao dịch tại sàn nào. Ví dụ, cổ phiếu của Daimler AG được giao dịch tại 22 sàn giao dịch chứng khoán khác nhau trên toàn cầu và được định giá bằng 5 loại tiền tệ khác nhau, nhưng nó chỉ có 1 mã ISIN là DE0007100000. 

Quy định tại Việt Nam

Mã chứng khoán trong nước được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp là duy nhất và không trùng lắp với các mã chứng khoán đã niêm yết hoặc mã chứng khoán đã được VSD cấp. Mã cổ phiếu bao gồm 3 ký tự được quy định như sau: 3 chữ cái in hoa hoặc 2 chữ cái in hoa và 1 ký tự số hoặc 1 chữ cái in hoa và 2 ký tự số.

VSD thực hiện cung cấp mã chứng khoán dự kiến hoặc bảo lưu mã chứng khoán theo văn bản đề nghị của tổ chức phát hành. Theo đó, đối với các công ty đại chúng, VSD chỉ xem xét chấp thuận đăng ký bảo lưu mã chứng khoán một lần duy nhất và thời gian VSD bảo lưu mã chứng khoán là 6 tháng kể từ ngày VSD có văn bản thông báo chấp thuận.

Mã chứng khoán đã cấp sẽ không được thay đổi trừ trường hợp tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán. Khi tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán VSD sẽ tự động huỷ mã chứng khoán trong nước và mã ISIN của các tổ chức đó. Mã chứng khoán cho các đợt phát hành quyền mua sẽ tự động hết hiệu lực sau khi kết thúc thời gian thực hiện chuyển nhượng quyền mua và đăng ký đặt mua.

Sở dĩ câu hỏi về cách định danh mã chứng khoán được quan tâm khi gần đây, một DN (CTCP Khoáng sản miền Trung, tên viết tắt là MTM) phản ánh DN bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng từ cổ phiếu “rởm” cũng tên MTM bị hủy giao dịch trên UPCoM. Cùng với đó, trên sàn, có rất nhiều mã có tên gần như nhau, hoặc tên viết tắt của DN này là mã cổ phiếu của DN khác, không chỉ khiến dư luận dễ nhầm lẫn, mà còn dễ gây hệ lụy lẫn nhau khi có bên gặp “khủng hoảng”.                          

Lam Phong

Tin cùng chuyên mục