Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, phố Wall có được sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học trước thông tin Pfizer bỏ ra 14 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất thuộc chữa ung thư Medivation.
Thông tin này giúp cổ phiếu Medivation tăng tới 20% và nhóm chỉ số Nasdaq công nghệ sinh học tăng 2%, mức tăng tốt nhất kể từ 27/7.
Tuy nhiên, chỉ có Nasdaq có được mức tăng nhẹ, còn Dow jones và S&P 500 tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau phát biểu của Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Stanley Fischer.
Ông Fischer cho rằng, nền kinh tế Mỹ đã có số việc làm và lạm phát gần đạt đến mục tiêu mà Fed đặt ra. Điều này ám chỉ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất sẽ lớn hơn. Theo cuộc tham dò từ công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên mức 18%, từ mức 12% trong tháng 6, còn khả năng tăng trong tháng 12 đã lên 50%, từ mức 46,2%.
Thông tin trên, cùng với việc giá dầu thô giảm mạnh hơn 3% đã gây áp lực lên nỗ lực phục hồi của phố Wall trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 23,15 điểm (-0,12%), xuống 18.529,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,23 điểm (-0,06%), xuống 2.182,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,22 điểm (+0,12%), lên 5.244,60 điểm.
Tương tự, việc giá dầu thô giảm mạnh cũng khiến chứng khoán châu Âu có phiê giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong ngày đầu tuần mới. Mức giảm
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,41 điểm (-0,44%), xuống 6.828,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 50,01 điểm (-0,47%), xuống 10.494,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,58 điểm (-0,24%), xuống 4.389,94 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng và Hồng Kông phục hồi trong phiên đầu tuần mới, nhưng đà tăng bị hãm lại khi giới đầu tư đang hướng sự tập trung vào cuộc họp thường niên của các thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Hole, Wyoming vào thứ Sáu này, nơi Chủ tịch Fed sẽ cho thấy cái nhìn chi tiết hơn về triển vọng kinh tế và khả năng tăng lãi suất của mình. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên đảo chiều giảm khá mạnh đầu tuần mới khi Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ, ảnh hưởng đến kỳ lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 52,37 điểm (+0,32%), lên 16.598,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 60,69 điểm (+0,26%), lên 22.997,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 23,91 điểm (-0,77%), xuống 3.084,81 điểm.
Việc đồng USD tiếp tục phục hồi, cùng phát biểu của Phó chủ tịch Fed khiến giá vàng duy trì đà giảm trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt dần vào cuối phiên.
Kết thúc phiên 22/8, giá vàng giao ngay giảm 2,5 USD (-0,19%), xuống 1.338,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,4 USD (-0,18%), xuống 1.343,4 USD/ounce.
Sau khi tăng lên mức cao nhất 2 tháng vào cuối tuần trước, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh hơn 3% trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi nhận được nhiều thông tin tiêu cực tác động. Đầu tiên là việc xuất khẩu dầu diesel và xăng của Trung Quốc trong tháng 7 tăng mạnh tới 181,8% và 145,2% so với cùng kỳ, gây áp lực lên lợi nhuận các sản phẩm tinh chế của các nhà sản xuất khác.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhà máy lọc dầu BP Plc tại Whiting, Indiana với công suất 413.500 thùng/ngày trở lại hoạt động bình thường làm gia tăng thêm nguồn cung sản phẩm tinh chế.
Tiếp đó, cũng tại Mỹ, số giàn khoan trong tuần trước tăng thêm 10 giàn khoan, tuần tăng thứ 8 liên tiếp.
Tiếp đó nữa, Iraq dự kiến trong tuần này sẽ tăng xuất khẩu dầu thô Kirkuk ở phía Bắc thêm 150.000 thùng/ngày, trong khi phiến quân tại Nigeria - thường xuyên tấn công các cơ sở sản xuất dầu của Nigeria cho biến sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn. Nếu điều này xảy ra, nguồn cung dầu thô sẽ gia tăng mạnh từ nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi.
Kết thúc phiên 22/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,47 USD/thùng (-3,12%), xuống 47,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,72 USD (-3,50%), xuống 49,16 USD/thùng.