Giá trước đây đừng ép ngân hàng tăng vốn!

(ĐTCK) Đến năm 2015, vốn pháp định của ngân hàng có thể sẽ được nâng lên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, không nên gây sức ép chạy đua tăng vốn trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.
Hồi đầu năm nay, DongA Bank đã hủy bỏ đợt tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng Hồi đầu năm nay, DongA Bank đã hủy bỏ đợt tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng

Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc và sắp xếp lại với mục tiêu toàn hệ thống chỉ còn khoảng 20 - 25 ngân hàng; trong đó, có một số ngân hàng đủ mạnh và có tầm cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành, nếu không vì quy định tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng và không có việc chuyển đổi các ngân hàng nông thôn lên ngân hàng thành thị thì có thể không nhiều ngân hàng phải sáp nhập như ngày nay.

Một ngân hàng nông thôn như Ngân hàng Mỹ Xuyên chỉ cần vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng khi chuyển đổi thành ngân hàng đô thị MeKong Bank thì buộc phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo quy định. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 141 ra đời, không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng được yêu cầu tăng vốn pháp định nên đã gia hạn một thời gian. Nhưng cũng chính việc gia hạn này đã làm gia tăng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và không loại trừ một số cổ đông đã góp vốn ảo để đáp ứng được nhu cầu trên, kéo theo khó khăn cho hệ thống ngân hàng.

Hiện trên thị trường vẫn còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trước sức ép sáp nhập, hợp nhất để tồn tại, VietA Bank, SaigonBank, OCB… đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kế hoạch trên vẫn chưa được nhà băng nào triển khai.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Saigon Bank và DongA Bank có vốn chi phối của UBND TP. HCM nên cần thiết quy về một mối. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung xem là vẫn là vấn đề nan giải. Kế hoạch đưa ra cho năm nay, Saigon Bank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 920 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. SaigonBank có làm được điều này hay không vẫn là dấu hỏi. Kế hoạch tăng vốn của SaigonBank cũng từng phải hoãn lại trong năm trước. 

Với mục tiêu nâng cao tiềm lực tiềm chính, sau khi tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012, DongA Bank tiếp tục xin tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng. Song đến cuối năm 2013 (thời điểm Quyết định cho phép tăng vốn của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực), tổng số tiền cổ đông đã nộp chỉ đạt gần 90 tỷ đồng, số chưa nộp còn tới 610 tỷ đồng. Đến ngày 23/4/2014, DongA Bank chính thức thông báo đến cổ đông về việc hủy bỏ kết quả đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng nói trên, do hết thời hạn mà cổ đông vẫn chưa nộp đủ số tiền đăng ký mua vào.

Có thể thấy,  tăng vốn là việc làm cần thiết, nhưng khó thực thi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), cách duy nhất để các ngân hàng thương mại nhỏ gia tăng sức cạnh tranh, tồn tại và phát triển là hợp nhất, sáp nhập (M&A) với một ngân hàng khác, thay vì phải cố sức để tăng vốn.

Đó cũng là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành đến cuối năm 2015. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, trong nửa cuối năm 2014, tái cơ cấu ngân hàng sẽ được nâng lên tầm cao, dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn. Nói cách khác, làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm, trên nguyên tắc, căn cứ vào quyết định định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu theo quy định. Nếu tổ chức tín dụng nào không đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu hoặc lỗ lũy kế ăn thâm vào vốn thì có 2 lựa chọn: hoặc “bơm” thêm vốn hoặc phải bán với giá thấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc tái cấu trúc, M&A để xóa sở hữu chéo.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục