Năm 2013: bức tranh sáng - tối
Tại ĐHCĐ 2013, VietA Bank trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn thêm gần 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Ngân hàng lên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cổ đông lớn của VietA Bank là SJC phải thực hiện việc thoái vốn theo quy định của Chính phủ đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, nên kế hoạch tăng thêm vốn của VietA Bank đã được điều chỉnh xuống 500 tỷ đồng.
“Kế hoạch ngân hàng này đặt ra là sau Tết Nguyên đán 2014 sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ, nhưng kể cả với kế hoạch đã được điều chỉnh cả về lượng vốn cũng như thời gian, VietA Bank khó hoàn tất được việc tăng vốn”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ngày 22/10/2013, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2013 từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thường niên và HĐQT OceanBank thông qua. Cụ thể, OceanBank sẽ phát hành 135 triệu cổ phiếu với giá chào bán thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, Ngân hàng chào bán cho cổ đông hiện hữu 100 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 4:1 và chào bán cho đối tác chiến lược 35 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2014, OceanBank chưa hoàn tất tăng vốn lên 5.350 tỷ đồng và ngày 3/3/2014, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 202/QĐ-UBCK chấp thuận gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng số 66/GCN-UBCK ngày 29/11/2013 đến hết ngày 29/3/2014 cho OceanBank.
Còn với Ngân hàng Phương Đông (OCB), trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, việc tăng thêm 766 tỷ đồng vốn điều lệ đến cuối năm 2013 của Ngân hàng hiện cũng chưa thực hiện được.
Mặc dù có những ngân hàng gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nhưng một số ngân hàng khác đã hoàn thành việc tăng vốn năm 2013. Tuy nhiên, các ngân hàng này chủ yếu là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, chứ không phải huy động thêm vốn từ cổ đông.
Cụ thể, đầu năm 2013, VPBank hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 5.050 tỷ đồng lên 5.770 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ cuối năm 2012.
Techcombank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 8.848 tỷ đồng lên 8.878 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, đãi ngộ cho cán bộ - nhân viên.
Một ngân hàng tăng vốn từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ là SCB. Ngân hàng này đang trong quá trình tái cấu trúc, nhưng năm 2013 vẫn tăng được vốn điều lệ thêm 1.711 tỷ đồng, nâng vốn lên 12.295 tỷ đồng.
Năm 2014: bài toán không dễ giải
Năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục có nhu cầu tăng vốn. Tại ĐHCĐ thường niên 2014, Sacombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 13.482 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2013.
NHNN vừa chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ từ 5.770 tỷ đồng lên 6.347 tỷ đồng theo phương án tăng vốn đã được ĐHCĐ VPBank thông qua. NHNN cũng đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho một ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam là HSBC từ 3.000 tỷ đồng lên 7.528 tỷ đồng, theo phương án tăng vốn điều lệ được thông qua tại Nghị quyết ngày 27/11/2013 của Hội đồng Thành viên HSBC Việt Nam và Quyết định ngày 29/11/2013 của ngân hàng mẹ.
Hôm qua (27/3), ĐHCĐ NamABank đã thông qua việc Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, năm 2014, SCB sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ so với mức 12.295 tỷ đồng hiện tại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, tăng vốn điều lệ là cần thiết nếu muốn phát triển ngân hàng. Thứ nhất, mọi hoạt động tín dụng dựa vào vốn điều lệ, mà theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không vượt quá 15% và các khách hàng liên quan không quá 25% vốn tự có. Do đó, muốn cho vay khoản lớn thì cần vốn điều lệ lớn. Thứ hai, vốn điều lệ như chiếc “gối đệm” chống đỡ những thiệt hại của ngân hàng như nợ xấu hay “cú sốc” bất ngờ nào đó. Thứ ba, ngân hàng vốn lớn thì quy mô hoạt động lớn, tổng tài sản lớn. Thứ tư, lòng tin của người gửi tiền thường cao hơn đối với những ngân hàng có vốn lớn.
“Vốn của ngân hàng đến từ 2 nguồn: vốn điều lệ và huy động từ thị trường. Các ngân hàng cho vay dựa trên vốn huy động từ thị trường nên vốn điều lệ lớn sẽ hỗ trợ ngân hàng phát triển mạnh mẽ”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Khối Nguồn vốn VIB cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tăng vốn điều lệ không còn là câu chuyện bức thiết, bởi tăng trưởng cho vay hiện tại có giới hạn; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trong hệ thống hầu hết đều vượt mức quy định 9% của NHNN do tăng trưởng tín dụng thấp; mở rộng mạng lưới không còn dễ dàng như trước; các ngân hàng đã đáp ứng yêu cầu tối thiếu của NHNN…
“Số vốn hiện nay của các ngân hàng là đủ cho ngân hàng hoạt động với quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại. Ngoài ra, khả năng chống đỡ rủi ro của một ngân hàng không phải hoàn toàn phụ thuộc vào vốn điều lệ, mà còn nhiều yếu tố khác như quản trị, chính sách khách hàng… Một vài tổ chức tín dụng muốn tăng thêm vốn điều lệ trong năm 2014 có thể do nhu cầu riêng”, ông Trung nhận xét.
Trao đổi với ĐTCK, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, TTCK từ đầu năm đến nay có diễn biến khả quan, sẽ hỗ trợ cho việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường có sự hứng khởi “quá đà”, nên cơ hội cho cổ phiếu ngành ngân hàng có nhiều hay không lại là một câu chuyện khác.
“Các ngân hàng cần phải giảm nợ xấu, xóa bỏ sở hữu chéo, tăng cường tính minh bạch, quản trị ngân hàng…, thì mới hấp dẫn được nhà đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.