Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế 2014

(ĐTCK) Chừng nào nhận thức về trách nhiệm của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và cộng đồng xã hội chưa ăn sâu vào nhận thức của những người chủ và lãnh đạo ngân hàng, cùng với tất cả cán bộ, nhân viên, thì quá trình tái cơ cấu hệ thống còn kéo dài rất lâu để đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và bắt kịp chuẩn mực quốc tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế

Bức tranh trộn màu sáng tối

Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong quý đầu của năm 2014. Lạm phát được kiểm soát ở mức 0,8% so với tháng 12/2013 và 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. GDP tăng trưởng 4,96%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ trong hai năm trước đây (2012: 4,73%; 2013: 4,76%). Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD trong quý I/2014.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với những khó khăn lớn: 16.754 DN giải thể, phá sản, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cầu tiếp tục thấp, thể hiện qua chỉ số hàng tồn kho là 101,8% so với tháng trước và 112,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PMI giảm xuống mức 51 từ 52,1 của tháng 1/2014.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế vĩ mô với những mảng sáng và tối, các lĩnh vực đầu tư và tài chính cũng lẫn lộn những gam màu đối lập, ngân hàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho tiền nhàn rỗi của cá nhân và tổ chức kinh tế, mặc dù lãi suất huy động giảm 1 - 2 điểm phần trăm cho tất cả các kỳ hạn trong những tháng đầu năm 2014, đặc biệt từ khi NHNN giảm trần lãi suất huy động cho những kỳ hạn dưới 6 tháng từ 7%/năm xuống 6%/năm. Thị trường ngoại hối được xem là ổn định trong những tháng đầu năm, mặc dù đôi lúc dấy lên những đợt sóng nhỏ. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn giữ ở mức 21.036 VND/USD. Thị trường vàng cũng giữ được sự ổn định tương đối, dù có những biến động về giá, nhưng chủ yếu là theo giá vàng thế giới.

TTCK chứng kiến một sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2014 với VN-Index đạt 600 điểm và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi quyết định giảm trần lãi suất huy động. Việc giảm trần lãi suất tiền gửi kéo theo lãi suất cho vay giảm đã tác động tích cực đến giá thị trường của nhiều cổ phiếu. Thêm vào đó, một dòng tiền, tuy không lớn, đã chảy từ ngân hàng sang TTCK, tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, sự hâm nóng TTCK trong những tháng đầu năm được ghi nhận với sự thận trọng. Trong khi TTCK được hỗ trợ bởi một vài yếu tố vĩ mô và sự thuận lợi từ thị trường tiền tệ, thì nền kinh tế nói chung còn chậm phát triển, các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, sự phục hồi của TTCK nhiều khả năng bắt nguồn từ yếu tố đầu cơ và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại sự ổn định. Nhưng đổi lại, kinh tế Việt Nam phải trả một giá khá đắt với tăng trưởng thấp, tổng cầu suy giảm, hàng tồn kho cao và nhiều DN phải giải thể hay ngưng hoạt động. Một trong số những thị trường chịu tác động mạnh nhất là thị trường bất động sản (BĐS), kéo theo sự suy thoái của nhiều ngành nghề liên quan như xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Đây có thể xem là sự điều chỉnh cần thiết của toàn bộ nền kinh tế từ giai đoạn phát triển nóng của những thập niên trước sang sự phát triển ổn định của thập niên này. Nhưng có lẽ, tác động mạnh nhất và rõ nét nhất của tiến trình điều chỉnh này là những biến động trong hệ thống ngân hàng, đã và đang tiếp tục trong những tháng đầu năm 2014.

Gam nóng ngành ngân hàng

Những vụ sáp nhập của các ngân hàng kể từ cuối năm 2011 đã cứu một số ngân hàng khỏi đổ vỡ và gây tác hại đến toàn hệ thống, nhưng đã loại khỏi thị trường một số thương hiệu như Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Tài chính Dầu khí, Phương Tây, Đại Á. Một số ngân hàng khác đã phải tái cơ cấu với sự đầu tư lớn của các nguồn tài chính bên ngoài như trường hợp của TPBank với sự đầu tư của Tập đoàn Doji và Ngân hàng Đại Tín với sự đầu tư của Tập đoàn Thiên Thanh và trở thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Trong những năm kinh tế tăng trưởng cao, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức 30 - 40%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng 100%/năm, vượt xa tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Trong nhiều năm, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành lên đến 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, một tỷ lệ tăng trưởng mang đầy tính rủi ro.

Để hỗ trợ sự tăng trưởng nóng này, nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ một cách chóng mặt và nhiều khả năng có những nguồn vốn ảo do một số ngân hàng và những công ty liên quan sử dụng những công cụ tài chính như phát hành trái phiếu và vay ngân hàng rồi quay ngược lại dùng vốn vay này để mua cổ phiếu tại ngân hàng, giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ.

Các vụ kiện đình đám hiện tại đã phơi bày những giao dịch loại này. Điều nguy hiểm nhất là tại một vài ngân hàng, vốn điều lệ trên sổ sách tăng đáng kể và các ngân hàng này đủ đòn bẩy để cho vay những món vay lớn, rủi ro cao.

Cuối cùng thì các ngân hàng cho vay nóng, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS, đã phải gánh chịu nợ xấu. Hậu quả là những ngân hàng này mất vốn, mà là vốn thật, trong khi một phần nào trong vốn tự có lại là vốn ảo, gây tổn thất gấp bội lần và đưa ngân hàng vào tình trạng mất an toàn vốn (hệ số CAR thực tế) không thể cứu vãn. Một vài ngân hàng bị đưa vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm, một tình trạng phá sản kỹ thuật.

Trong số nợ xấu của toàn ngành ngân hàng Việt Nam, rất nhiều món là để phục vụ kinh doanh, phát triển BĐS và sử dụng vào mục đích kinh doanh ngoài BĐS nhưng lấy BĐS làm thế chấp. Khi thị trường BĐS “rơi tự do” thì những món nợ này nhanh chóng trở thành nợ mất vốn, người đi vay sẵn sàng tháo chạy, để lại những khoản nợ cho ngân hàng xử lý.

Chính tác giả của bài báo này đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn đó. Tác giả là người thành lập một ngân hàng tại Mỹ và trở thành đồng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng này và trong thời đại hoàng kim của thị trường địa ốc vào thập niên đầu của thế kỷ này, đã cho vay BĐS là một lĩnh vực kinh doanh béo bở vào thời điểm đó. Người người, nhà nhà mua BĐS, các ngân hàng ồ ạt cho vay với lãi suất cực rẻ và điều kiện cực thuận lợi (có ngân hàng cho vay trên 100% giá trị BĐS và áp dụng chương trình trả góp “âm” [negative amortization]), Ngân hàng Trung ương cũng "làm ngơ" để mọi người chia nhau "miếng bánh" ngon. Nhưng khi thị trường BĐS lao dốc và kéo nền tài chính của Mỹ và của thế giới đi xuống, bắt đầu từ năm 2008, thì ít nhất 50% nợ xấu BĐS trở thành nợ mất vốn, kéo theo sự sụp đổ của rất nhiều ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng loại hàng đầu của thế giới.

Tại Việt Nam, cho vay BĐS vào những năm trước không những chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường BĐS, mà cách cho vay một cách bừa bãi vào lúc đó đã gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng. Không những nhiều nhân viên tín dụng và thẩm định không được huấn luyện chuyên nghiệp và trong không nhiều trường hợp bắt tay với khách hàng để lừa ngân hàng, không ít ngân hàng cũng dễ dãi cho vay để hưởng lợi nhuận, "nhắm mắt" trước hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích. Ngày hôm nay, nợ xấu, trong đó có một phần đáng kể là các món vay BĐS, trở thành một vấn đề mang tính khủng hoảng quốc gia và đang được xử lý.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt, nhưng càng ngày càng chuẩn mực hơn

Vấn đề của vấn đề

Những vấn đề vốn ảo và nợ xấu, trong đó có nợ xấu BĐS, chỉ là một vài khâu quan trọng trong sự nhận diện và đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Những vấn đề này có liên quan mật thiết với một vấn đề lớn lao hơn và khó giải quyết hơn nhiều, đó là sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Sở hữu chéo và đầu tư chéo ở Việt Nam mang tính lịch sử khi mà vào buổi khai sinh các NHTM của Việt Nam, thì sở hữu và đầu tư chéo là chuyện đương nhiên, vì lúc đó, chỉ có Nhà nước là có tiền để thành lập ngân hàng và Nhà nước (Trung ương và địa phương) có cổ phần trong tất cả các ngân hàng được phép thành lập. Cho đến khi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời và khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng đối với cá nhân và tổ chức kinh tế, thì vấn đề sở hữu vượt quy định và sở hữu chồng chéo để tạo ưu thế và lũng đoạn ngân hàng mới được quần chúng, các tổ chức kinh tế và các cơ quan chức năng thực sự ý thức.

Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, cho đến nay đã được NHNN và các cơ quan chức năng quan tâm và kiểm soát, nhưng những sở hữu chéo và đầu tư “vượt rào” tồn đọng từ quá khứ thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ngay cả Luật Các TCTD có hiệu lực ngày 1/1/2011 cũng đã quy định là NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các TCTD có vốn cổ phần trước đây và hiện nay không còn phù hợp với luật mới để thi hành luật mới cho đúng (Luật các TCTD 2010, Điều 161, Khoản 5), nhưng cho đến nay, NHNN vẫn chưa ban hành những hướng dẫn đó.

NHNN đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, trong đó có việc hỗ trợ những ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, giải quyết và kiểm soát vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, giúp các ngân hàng quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế, trong đó, Thông tư 02 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những tháng tới của năm 2014.

Nhưng vấn đề mấu chốt trong quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng là nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng với cả nền kinh tế và cộng đồng xã hội. Tại mọi quốc gia, hệ thống ngân hàng đều được được chính phủ tìm cách bảo vệ tối đa vì đó là huyết mạch của nền kinh tế. Nhưng cũng chính vì sự bảo vệ của các quốc gia và sự ưu đãi đối với hệ thống ngân hàng mà ngành ngân hàng phải phục vụ quyền lợi của đại chúng, chứ không thể chỉ phục vụ quyền lợi của cổ đông và những ông chủ của mình.

63 năm lịch sử phát triển ngành ngân hàng Việt Nam với nhiều lợi ích công cộng mà hệ thống ngân hàng mang đến cho đất nước, nhưng ngành ngân hàng cũng đã gây nhiều tổn thương và thiệt hại. Những thiệt hại này có nguyên nhân từ sự tham lam lợi ích cá nhân của một số người chủ và lãnh đạo của ngân hàng, mà quên đi mục đích tối thượng của ngân hàng là phục vụ đại chúng và nền kinh tế.

Quá trình tái cấu trúc sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới với quyết tâm của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, chừng nào nhận thức về trách nhiệm của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và cộng đồng xã hội chưa ăn sâu vào nhận thức của những người chủ và lãnh đạo ngân hàng, cùng với tất cả cán bộ, nhân viên, thì quá trình tái cơ cấu có thể sẽ xảy ra với sự thay đổi về hình thức hoạt động nhưng sẽ kéo dài rất lâu để hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể vươn ra ngoài thế giới.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục