Ngân hàng Việt Nam vượt lên thách thức

(ĐTCK) Lãi suất tiếp tục hạ và đang dần trở về mức trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Sau 5 năm vật lộn với khó khăn, những tín hiệu đầu tiên về một chu kỳ kinh tế mới lại bắt đầu.
Ngân hàng Việt Nam vượt lên thách thức

Kỳ vọng vòng quay mới

Đặc thù của ngành ngân hàng đó là sự vận động cùng nhịp với nền kinh tế. Ở Việt Nam , điều đó càng thể hiện rõ nét bởi nguồn vốn cho nền kinh tế chủ yếu đến từ ngân hàng. Nhìn vào sức khỏe nền kinh tế để biết sức khỏe ngành ngân hàng và ngược lại.

Kể từ năm 2008, mỗi năm trong báo cáo của bất kỳ tổ chức tài chính nào cũng đều có cụm từ: “thị trường tài chính - tiền tệ còn nhiều biến động”. Đánh giá tưởng như quá nhàm chán này lại luôn có tính thời sự bởi lãi suất thăng giáng với biên độ rộng và thời gian ngắn cùng với các gói kích cầu, chính sách siết chặt tiền tệ chống lạm phát…; đó là tỷ giá có những thời điểm đột ngột tăng với mức điều chỉnh rất lớn; đó là tín dụng đang từ trạng thái mở rộng đột ngột co hẹp, có những giai đoạn còn ở mức tăng trưởng âm, điều rất khó xảy ra với một nền kinh tế đang phát triển có nhu cầu vốn cực lớn.

Ngân hàng Việt Nam vượt lên thách thức ảnh 1

Nếu liệt kê những biến động của thị trường tài chính - tiền tệ suốt 5 năm qua thì còn rất nhiều, nhưng điều may mắn là những diễn biến đó dần qua đi. Những tia sáng đang xuất hiện phía chân trời!

Với những quyết sách quyết liệt và sự gồng mình của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã nhìn thấy những bước tiếp theo của nhiệm vụ lấy lại đà tăng trưởng. Còn nhìn riêng lĩnh vực ngân hàng, tỷ giá đã có được sự ổn định cần thiết trong hơn một năm qua, lãi suất đang dần về mức mà các DN có thể chấp nhận được, nợ xấu đã xử lý được một phần không nhỏ với 69.000 tỷ đồng, số lượng ngân hàng đã giảm và quan trọng hơn, những cái tên biến mất đó đã và sẽ là những tổ chức tín dụng có vấn đề hoặc yếu kém…

Tất cả những điều đó, cho dù còn những ý kiến chưa thực sự hài lòng về tốc độ cải cách, nhưng xét một cách tổng thể thì hệ thống ngân hàng đang có những bước chuyển theo hướng lành mạnh và hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế. Với kinh nghiệm của cuộc đại phẫu ngành ngân hàng Việt sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998, có thể nói, một chu kỳ mới đang mở ra.

 

Vượt lên thách thức

Đề án tái cấu trúc hệ thống đang đặt cả ngành ngân hàng trước những yêu cầu rất lớn. Nhưng để có một hệ thống tài chính chuẩn mực hơn, có những ngân hàng tầm khu vực và quốc tế…, thì trước mắt hệ thống ngân hàng cần phải xử lý dứt điểm những căn bệnh đã được chỉ ra.

Ngoài những vấn đề có tính hệ thống thì từng ngân hàng cần phải cấu trúc lại chính mình, bởi mỗi ngân hàng, dù nhỏ, cũng là một thành viên có ảnh hưởng tới cả hệ thống.

Nói điều đó bởi những cuộc đua lãi suất trong quá khứ hay số nợ xấu khổng lồ được công bố, tất cả có nguyên nhân quan trọng từ một hệ thống quản trị yếu. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, có những ngân hàng khá “thong dong”, đơn giản là họ có một nền tảng vững và một hệ thống quản lý lành mạnh. Những ngân hàng đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, buộc phải hợp nhất, sáp nhập đều là ngân hàng có vấn đề trong quản trị. Kém từ chiến lược phát triển tạo ra cách làm ăn chụp giật, kém từ sự không minh bạch trong quản trị dẫn đến những khoản vay “sân sau” khó lường.

3 cái tên Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Habubank đã phải rời cuộc chơi và còn một số cái tên khác cũng có thể sẽ biến mất sau các cuộc sáp nhập sắp diễn ra giữa PVFC và WesternBank, hay HDBank và DaiA Bank… Có những ông chủ ngân hàng đã bị thay thế, với cách ra đi không thật nhẹ nhàng.

Cuộc chơi ngân hàng, không dễ!

 

Những tấm áo mới

Nhìn lại để bước tới, khi cách đây chưa lâu, ngành ngân hàng đã từng chứng kiến những “cuộc đua” phải trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, người người, nhà nhà đặt mục tiêu đẩy nhanh, mạnh tổng tài sản và mạng lưới. Những cảnh báo về hậu quả của các chiến lược tăng trưởng nóng không phải là không có, nhưng rất tiếc là không phải ông chủ ngân hàng nào cũng lắng nghe.

Giờ đây, các ngân hàng đang đặt trọng tâm vào quản trị rủi ro, một chuyển động đáng mừng và là điều tất yếu sau những bão giông.

Tại nhiều ngân hàng đã xuất hiện các CEO người nước ngoài, giám đốc các khối kinh doanh, chiến lược, quản trị rủi ro không phải là người Việt. Các ngân hàng Việt Nam đang trở thành khách hàng lớn của các công ty tư vấn chiến lược, tư vấn thương hiệu nước ngoài. Sự thay đổi đó dù chưa thấy những kết quả đột phá, nhưng những kinh nghiệm quốc tế chắc chắn phải mang lại một giá trị nhất định cho các ngân hàng nội.

Một chuyển động mới hơn đang diễn ra là nhiều ngân hàng tìm đến những bản sắc riêng, thay vì tất cả đều chạy theo hai chữ “bán lẻ” như trước. Đã có những ngân hàng gắn với các ngành như vàng, với dịch vụ điện tử, với nông nghiệp… Khái niệm “nhỏ và xinh” đã đâu đó xuất hiện, chứ không chỉ là lọt vào Top 5, Top 10 về quy mô như trước.

Nhìn một cách tổng thể, hệ thống ngân hàng đang chuyển động. Khoan nói về nhanh hay chậm, nhưng sự chuyển động đó là nhìn thấy được, từ cấp vĩ mô đến từng cá thể. Và cần khẳng định rằng, sự chuyển động đó đang theo một hướng tích cực hơn.

Để hệ thống ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ nâng cao vị thế đồng Việt Nam , bước chân ra ngoài biên giới lãnh thổ là những mục tiêu xa. Để đến được mục tiêu đó thì nhiệm vụ thường xuyên cần phải thực hiện đó là hỗ trợ cho DN Việt, làm động mạch chính luân chuyển vốn cho nền kinh tế phải tốt hơn. Đó là những thách thức rất lớn, nhưng hoàn toàn không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Tuấn Khánh
Tuấn Khánh

Tin cùng chuyên mục