Giá trị vô hình kết nối doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Văn hoá doanh nghiệp, điều tưởng chừng khá mơ hồ, nhưng lại có sức mạnh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Điều này càng được kiểm chứng trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.

Các doanh nghiệp không cần xây quá nhiều quy trình hoạt động, mà nên xây dựng văn hoá để “doanh nghiệp cứ thế mà chạy” . Các doanh nghiệp không cần xây quá nhiều quy trình hoạt động, mà nên xây dựng văn hoá để “doanh nghiệp cứ thế mà chạy” .

Cơn cuồng phong ập tới

Ðại dịch Covid-19 như một cơn cuồng phong bất ngờ ập tới, sức phá hủy của nó vượt xa mọi tưởng tượng ban đầu, một cuộc khủng hoảng về y tế. Ðại dịch làm đứt gãy các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu bởi các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới nhằm phòng chống dịch lây lan.

Covid-19 gây ra khủng hoảng kinh tế và sinh kế trên toàn cầu, kinh tế và thương mại sa sút khi cả bên cung lẫn bên cầu đều suy giảm. Nhiều ngành kinh tế rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng… Tin tức về các hãng hàng không lớn phải dừng hoạt động, thậm chí tuyên bố phá sản, hay hệ thống bán lẻ trên thế giới ngừng hoạt động xuất hiện liên tục.

Ở trong nước, video quay cảnh giám đốc một hệ thống khách sạn nhỏ khóc nức nở khi thông báo cắt giảm nhân viên vì không còn khả năng trả lương cho họ trong bối cảnh hệ thống không có khách hàng, không có dòng tiền là một trong những hình ảnh cho thấy sức tàn phá của Covid-19 đối với các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Vững vàng nhờ quản trị công ty và văn hóa doanh nghiệp

Ðại dịch khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của quản trị công ty, của việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng, ngay cả khi đối tác tại Mỹ tuyên bố phá sản và đối tác này vẫn còn khoản nợ trên 200 tỷ đồng chưa thanh toán, nhưng nội bộ Công ty không có tâm lý hoang mang, lo lắng.

Cán bộ, công nhân viên vẫn đi làm bình thường, bởi họ tin tưởng ban lãnh đạo sẽ có giải pháp để chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm với văn hoá của doanh nghiệp, đó là sự chăm lo cho người lao động.

Bằng chứng cụ thể là việc cắt giảm lương để giảm thiểu chi phí trong giai đoạn khó khăn chỉ thực hiện với lãnh đạo Công ty và bộ phận văn phòng, mà không áp dụng với những người lao động trực tiếp.

Netflix - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ phục vụ người xem phim và các show truyền hình thực tế nổi lên như một điển hình về sống khỏe trong đại dịch Covid-19 nhờ văn hóa “sẵn sàng cho khủng hoảng”.

Hastings, ông chủ của công ty này đã xây dựng được văn hoá minh bạch và không bị tác động của cảm xúc, đi cùng đổi mới liên tục, nhanh chóng. Tại Netflix, thông tin minh bạch được chia sẻ trong mọi cấp, nhằm thúc đẩy các cuộc tranh luận lành mạnh trong quá trình đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc phát huy sáng kiến, ý tưởng từ mọi thành viên trong Công ty giúp nội dung các kênh truyền hình trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Những cá nhân không còn động lực làm việc sẽ bị loại ra khỏi công ty và môi trường làm việc chỉ còn những người hừng hực khí thế.

Quy trình không thay thế được văn hoá

Trong giai đoạn đầu đại dịch diễn ra, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, đã có nhiều buổi chia sẻ trên các diễn đàn online về văn hoá doanh nghiệp.

Giáo sư Trường từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở một số tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới với hàng trăm nghìn nhân viên ở nhiều quốc gia.

Sau khi nghỉ hưu, Giáo sư dành thời gian chủ yếu ở trong nước, ông viết sách về quản trị doanh nghiệp với hai cuốn sách nổi tiếng trong lĩnh vực này là “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị” và tham gia giảng dạy tại các trường đại học, tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp, với mong muốn trao đi những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ những năm tháng làm việc trong môi trường kinh doanh toàn cầu.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải thổi bùng lên ngọn lửa trong nhân viên, tạo sự gắn kết của họ với công ty và các nhân viên gắn kết với nhau thành một đội ngũ mạnh mẽ.

Bí quyết đưa Tập đoàn Alsthom (Pháp) từ vị trí số 6 vươn lên vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp điện lực thế giới được Giáo sư chia sẻ, đó là đi đến đâu, ông cũng thổi bùng lên ngọn lửa trong nhân viên, tạo sự gắn kết của họ với công ty và các nhân viên gắn kết với nhau trở thành một đội ngũ mạnh mẽ, chinh phục hết dự án này tới dự án khác.

Theo Giáo sư Trường, quy trình không thay thế được văn hoá, vì quy trình người ta có thể áp dụng hay không áp dụng, còn văn hoá mạnh mẽ hơn rất nhiều, “như một kiểu độc tài chuyên chế mà người đã phạm văn hoá đó sẽ cảm thấy chút nhục nhã”.

Ông khuyên doanh nghiệp không cần xây quá nhiều quy trình hoạt động, mà nên xây dựng văn hoá để “doanh nghiệp cứ thế mà chạy”.

Bởi lẽ, không thể đặt sau lưng mỗi nhân viên một người kiểm soát, mà phải để văn hoá doanh nghiệp điều khiển, kiểm soát họ.

Những năm gần đây, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn. Một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng được văn hoá rất mạnh, độc đáo như Tập đoàn FPT, Vingroup, Viettel, Vinamilk, Hoà Bình…

Nhưng cũng có một thực tế là, có nhiều nhà quản trị doanh nghiệp, đặc biệt ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với bài toán này.

Vậy làm thế nào để tạo lập được văn hoá doanh nghiệp và để văn hoá đó trở thành động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp?

Theo Giáo sư Trường, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng một văn hoá riêng, phù hợp với ngành nghề, với người chủ.

Chẳng hạn, công ty hoạt động trong ngành thực phẩm thì phải xây dựng được văn hoá sạch sẽ, công ty xây dựng phải xây dựng được văn hoá an toàn…

Nhưng văn hoá chung của mọi công ty nên là chuyên nghiệp và thân thiện: các nhân sự phải chuyên nghiệp trong công việc, làm việc hết sức có thể, nhưng luôn sẵn sàng ôn hoà, vui vẻ, sẵn sàng thương thuyết với nhau để đưa ra được những ý tưởng, cách làm tốt nhất.

Làm thế nào để “tiêm vào đầu” các nhân viên về văn hoá doanh nghiệp? Giáo sư Trường cho rằng, đây là một nghệ thuật. Nghệ thuật này cũng đòi hỏi người lãnh đạo phải có một chút hy sinh, phải áp dụng cho chính mình, làm ngay tức khắc văn hoá báo cáo trung thành, văn hoá làm việc tốt nhất có thể. Nhân viên sẽ chiếu theo thái độ đó của người lãnh đạo để làm việc.

“Nhưng quan trọng nữa là người lãnh đạo phải có chiến lược, phải biết chèo lái doanh nghiệp đi đến mục tiêu thì nhân viên mới có động lực”, ông Trường nhấn mạnh.

Ðại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 được dự báo không mấy sáng sủa, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn.

Nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang là câu chuyện được đặt ra với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, để không chỉ vững vàng trong cuộc khủng hoảng này mà còn có sức chống đỡ với những rủi ro luôn rình rập trong một môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, thách thức.

Hằng Phương
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục