Giá trái phiếu toàn cầu tăng vọt trong tháng 7 do lo ngại suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát là vấn đề đáng chú ý nhất trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là với các nhà đầu tư trái phiếu.

Trái phiếu toàn cầu đang hướng tới mức tăng hàng tháng lớn nhất trong tháng 7 kể từ tháng 11/2020 - với chỉ số Bloomberg tăng 1,8% - khi tâm điểm của thị trường chuyển sang nỗi lo suy thoái trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng. Điều đó khác xa so với 6 tháng trước đó, khi dữ liệu lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đã đẩy chỉ số này đến mức lỗ lũy kế 14%.

Lãi suất kỳ vọng bình quân của các ngân hàng trung ương G10 và Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu.

Lãi suất kỳ vọng bình quân của các ngân hàng trung ương G10 và Lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu.

Hôm thứ Tư (27/7), Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng, việc thắt chặt có thể chậm lại tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế. Trong khi đó, dữ liệu mới đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý thứ II, nhưng sự suy giảm toàn cầu là trường hợp cơ bản mới cho các nhà đầu tư, một trường hợp được kỳ vọng sẽ hạn chế xu hướng tăng của giá tiêu dùng.

“Lịch sử cho chúng ta biết rằng, suy thoái có xu hướng dẫn đến lạm phát thấp hơn. Trái phiếu toàn cầu đã có một đợt phục hồi ấn tượng khi Fed có quan điểm ít diều hâu hơn và dữ liệu yếu hơn tiếp tục gây ra lo ngại suy thoái. Các thị trường đã nhanh chóng đánh giá các đợt tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong năm tới dựa vào lãi suất chính sách cao hơn và nhu cầu sụt giảm để kiềm chế lạm phát”, các chiến lược gia của Societe Generale SA cho biết.

Trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp của Úc đã tăng 2,4% trong tháng 7, đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5/2012. Chỉ số này đã giảm 9,5% trong nửa đầu năm, với tổn thất trầm trọng hơn do một loạt các sai lầm chính sách của ngân hàng trung ương.

Trên toàn cầu, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Một chỉ số theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng euro đã tăng 4,7% trong tháng 7, thiết lập mức tăng kỷ lục hàng tháng. Trái phiếu đô la từ các tổ chức phát hành tại thị trường mới nổi châu Á đang hướng tới tháng tốt nhất kể từ tháng 11/2020.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích và chiến lược gia đầu tư đã cảnh báo đà tăng của trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm nhanh do nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế lớn, tình trạng khó khăn dai dẳng trên thị trường tín dụng Trung Quốc và rủi ro vỡ nợ gia tăng. Và không phải ai cũng tin rằng sự phục hồi sẽ kéo dài.

Skye Masters, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại National Australia Bank Ltd. cho biết: “Rủi ro đối với thị trường trái phiếu là Fed không bắt đầu nới lỏng chính sách sớm như dự kiến ​​và lạm phát vẫn ở mức cao”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục