Giá thuê văn phòng tại Việt Nam rất cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định trên được Savills đưa ra trên cơ sở so sánh với giá thuê văn phòng tại các thị trường khu vực.
So với các thị trường khu vực, giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện khá "mềm". Ảnh: Thành Nguyễn. So với các thị trường khu vực, giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện khá "mềm". Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo báo cáo Prime Benchmark của Savills, trong tương quan với các thị trường khác trong khu vực, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, song hành cùng các thị trường Singapore, Seoul (Hàn Quốc) hay Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, giá thuê văn phòng Hạng A vẫn ở mức trung bình trong tương quan với các thị trường khác, đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá thuê gộp trung bình là 62,4 USD/m2 và tại Hà Nội là 41,3 USD/m2. Trong khi đó tại Seoul, giá thuê được ghi nhận tại mức 96,3 USD/m2, Singapore là 100,5 USD/m2 và Hong Kong (Trung Quốc), thị trường có giá thuê cao nhất, là 208,6 USD/m2. Trong thời gian tới, giá thuê Hạng A dự kiến tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nhẹ, tại mức 3% nhờ nguồn cung Hạng A mới.

Về khẩu vị khách thuê, theo Savills, nhu cầu thuê văn phòng đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững đã gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Sau Covid, các tiêu chí lựa chọn văn phòng của khách thuê cũng thay đổi theo chiều hướng ưu tiên các tòa nhà mới, tập trung vào các yếu tố xanh, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và tối ưu tương tác với nhân viên.

Cùng với đó, sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhu cầu khách thuê đã phần nào đẩy mạnh tính cạnh tranh giữa các tòa nhà, tạo ra áp lực về giá thuê cho các tòa nhà cũ, không đáp ứng được tiêu chí về môi trường. Việc xanh hóa các tòa nhà văn phòng gần như đã trở thành yêu cầu thiết yếu.

Bà Hoàng Nguyệt Minh.

Bà Hoàng Nguyệt Minh.

Tuy nhiên, theo Savills, hiện nay thị trường văn phòng cũng đang tồn tại một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, các khách thuê đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về pháp lý khi xin phê duyệt mặt bằng mới, đặc biệt khi thuê tại các tòa nhà có công năng linh hoạt như văn phòng và thương mại dịch vụ nói chung. Khó khăn điển hình là các hoạt động liên quan đến xin cấp phép phòng cháy chữa cháy. Các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy được siết chặt hơn sẽ khiến nhiều khách thuê doanh nghiệp gặp khó khăn cả về tiến độ chuyển trụ sở văn phòng lẫn chi phí đội lên so với ngân sách ban đầu.

Theo Nghị định 136 có hiệu lực từ đầu năm 2021 và các Thông tư hướng dẫn ban hành rải rác từ đầu năm 2022, danh mục dự án công trình phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp đã tăng hơn trước. Song, chỉ trong 18 tháng, từ giữa 2021 đến nay, đã có 3 văn bản quy phạm pháp luật quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác nhau trong phòng cháy chữa cháy được ban hành, thay thế, bổ sung lẫn nhau. Việc liên tục thay đổi đã khiến doanh nghiệp gặp khó để điều chỉnh, chuyển đổi các điều kiện đáp ứng. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp đang đầu tư theo quy định cũ, tới khi thẩm định lại không thể đáp ứng được theo quy định mới, dẫn đến không giải quyết được tình hình, gây kéo dài thời gian thẩm định và cấp phép.

“Việc siết chặt các quy định về phòng cháy chữa cháy đã khiến chi phí đầu tư văn phòng mới cho doanh nghiệp bị đội lên cao. Theo thông lệ, chỉ sau khi được phê duyệt về phòng cháy chữa cháy thì doanh nghiệp mới được sử dụng diện tích văn phòng mới đã thuê. Trong khi đó, thời gian tính phí thuê có thể đã được doanh nghiệp và chủ đầu tư thống nhất từ trước. Do vậy, việc kéo dài thời gian thẩm định phòng cháy chữa cháy khiến doanh nghiệp chưa thể chuyển về mặt bằng mới nhưng vẫn phải chi trả chi phí thuê, tạo ra áp lực về chi phí rất lớn cho khách thuê”, bà Minh nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục