Theo Jones Lang LaSalle, không có lĩnh vực nào đang muốn cho thuê lại nhiều diện tích văn phòng như các Alphabet, Meta Platforms, Microsoft và Amazon đều đã công bố kế hoạch cắt giảm diện tích văn phòng của họ. Amazon đã tạm dừng xây dựng văn phòng mới gần Washington, DC và Microsoft đang đánh giá lại các kế hoạch xây dựng văn phòng ở Atlanta.
Theo công ty môi giới bất động sản Savills, khoảng 174 triệu feet vuông diện tích văn phòng — gấp đôi toàn bộ kho hàng của San Francisco hiện đang sẵn sàng để cho thuê lại trên khắp nước Mỹ. Savills cho biết, số lượng văn phòng cho thuê đang tồn này cao gần gấp đôi so với mức trước đại dịch.
Các công ty đang tìm cách cho thuê lại mặt bằng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết hợp đồng thuê. Nhưng việc cắt giảm cho thấy sự suy thoái của ngành công nghệ, nguyên nhân góp phần vào sự sụp đổ của của Silicon Valley Bank và tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính.
San Francisco, Seattle và New York đang gánh chịu những ảnh hưởng của đợt thoái lui. Tuy nhiên, New York có thể dựa vào nhu cầu văn phòng từ các dịch vụ tài chính và công ty luật để bù đắp. Trong khi đó, các công ty ở Seattle đang kêu gọi miễn thuế để giữ chân người thuê nhà ở trung tâm thành phố.
Ruth Colp-Haber, Giám đốc điều hành của công ty môi giới Wharton Property Advisors, cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, các công ty công nghệ là nguồn tăng trưởng duy nhất cho các chủ văn phòng cho thuê khi các công ty này liên tục mở rộng hoạt động, tuyển dụng rầm rộ và cần nhiều diện tích để mở văn phòng. Đây không phải là cơn gió ngược duy nhất mà ngành bất động sản đang phải đối mặt, nhưng nó là một vấn đề quan trọng vì không có ngành nào khác nổi lên để thay thế nhu cầu của ngành công nghệ vào lúc này”.
Sự rút lui của các công ty công nghệ lớn (Big Tech) đến vào thời điểm thị trường bất động sản văn phòng đang rất tệ khi phải vật lộn để với các khoản vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Trong một dấu hiệu đáng lo ngại, các chủ cho thuê văn phòng như Brookfield, Pacific Investment Management đang chọn phương án không trả nợ để đàm phán các điều khoản tốt hơn. Tình hình dự kiến sẽ xấu đi vì các khoản nợ bất động sản thương mại trị giá khoảng 900 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới.
Theo Savills, vào cuối năm 2019, các công ty công nghệ chiếm gần 40% các hợp đồng thuê mới và chuyển địa điểm chỉ tính riêng ở Manhattan. Tuy nhiên, ngành công nghệ với tốc độ tăng trưởng hai con số lại đang vội vã sa thải nhân viên và trả lại mặt bằng văn phòng.
Các tập đoàn như Alphabet, Meta, Netflix và một số công ty công nghệ khác đã dành tới 3,4 tỷ USD để trang trải các chi phí như phí môi giới, chi phí di dời văn phòng và chi phí để sa thải nhân viên.
Nhiều chủ sở hữu bất động sản văn phòng đang phải vật lộn để trả hết nợ hiện tại hoặc để được tái cấp vốn, do nhu cầu thuê văn phòng và giá cho thuê đều giảm. Theo CBRE Econometric Advisors, các chủ sở hữu văn phòng sẽ phải đối mặt với khoản thiếu hụt tài chính trị giá 53 tỷ USD cho đến năm 2025, có khả năng dẫn đến tình trạng khó khăn cho các nhà đầu tư.
Cuộc thoái trào chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ riêng Salesforce, Microsoft, Meta, Amazon, Twitter và Alphabet đã có hơn 12 triệu feet vuông hợp đồng thuê văn phòng sẽ hết hạn trên khắp nước Mỹ trong ba năm tới.
Tại New York, Meta đã chọn không gia hạn hợp đồng thuê văn phòng ở Đại lộ Park, Twitter và Compass cũng đã cho thuê lại phần lớn diện tích văn phòng ở Manhattan của họ trong những tháng gần đây. Lyft đang tìm cách cho thuê lại các văn phòng ở San Francisco, trong khi Twitter còn đang bị khiếu nại chậm thanh toán tiền thuê văn phòng.
Microsoft có kế hoạch không tái ký hầu hết các hợp đồng thuê văn phòng khi hợp đồng thuê hết hạn ở khu vực Seattle. Amazon cũng có ít nhất hai hợp đồng thuê lớn sắp hết hạn ở Seattle mà họ không có kế hoạch gia hạn. Netflix đang tìm cách cho thuê lại hai tòa nhà lớn tại trụ sở chính ở Los Gatos, California.
Các thành phố đã có được sự phục hồi trong hoạt động kinh tế kể từ khi các công ty bắt đầu khuyến khích nhân viên quay lại văn phòng nhiều hơn, nhưng những dấu hiệu này rất mong manh và có thể bị đảo ngược khi các công ty công nghệ cắt giảm hàng nghìn công nhân và trả lại nhiều văn phòng đang thuê.
San Francisco đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề và phải chịu giá trị tài sản sụt giảm cũng như tình trạng vô gia cư và thất nghiệp tăng. Thị trưởng thành phố này đã phải công bố một kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm nỗ lực thu hút nhiều công ty ngành nghề đa dạng hơn như các công ty khoa học đời sống, chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo và công nghệ khí hậu.
Tại Seattle, lượng người lao động vẫn chưa bằng một nửa so với mức trước đại dịch, theo Hiệp hội Trung tâm Seattle. Các khu vực nhà hàng trong khuôn viên nhộn nhịp một thời của công ty Amazon giờ vắng vẻ và công ty này gần đây đã đóng cửa hai cửa hàng tiện lợi Amazon Go trong thành phố.