Thông tin tại Hội thảo khoa học "Sự phát triển của ngành xi măng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), ông Nguyễn Quang Cung đã nêu ra một loạt thách thức mà ngành xi măng phải đối mặt.
Ông Cung cho biết, cách đây 1 tuần, giá than nhập khẩu là khoảng 210-220 USD (than phẩm cấp thấp), mà than chiếm 56% trong giá thành sản xuất clinker. Giá than cao như vậy, theo ông Cung, là chết doanh nghiệp. Giá than tăng đẩy nhiều dây chuyền sản xuất vào cảnh phải dừng hoạt động.
Để bù đắp chi phí đầu vào, thời gian qua, giá xi măng đã được điều chỉnh tăng 3 lần, nhưng theo ông Cung, khi giá xi măng tăng thì nhà thầu xây dựng cũng chịu tác động, giá đội lên phải dừng thi công hoặc không sẽ thua lỗ, theo đó xi măng lại càng khó tiêu thụ. Không chỉ ngành xây dựng khó khăn mà sự đình trệ dây chuyền này còn gây hệ lụy cho cả nền kinh tế.
Để giảm tác động tiêu cực do giá than tăng, và bảo vệ môi trường trong sản xuất, một số doanh nghiệp trong ngành xi măng đã và đang triển khai đề án sử dụng rác thải, phế thải và bùn thải… làm nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất clinker, nhưng thực tế, quá trình huy động rác thải từ các ngành sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về các loại thủ tục khác nhau.
Cùng với giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào nhảy múa, ngành xi măng còn gặp khó khăn kép do tình trạng mất cân đối cung cầu.
Cụ thể, tổng công suất thiết kế hiện nay của ngành xi măng là 107 triệu tấn, nhưng nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia trong sản xuất, công suất toàn ngành có thể lên tới 123 triệu tấn, thậm chí hơn, trong khi tiêu thụ nội địa những năm gần đây hầu như không tăng. Số liệu do VNCA cung cấp tại Hội thảo, tiêu thụ nội địa năm qua chỉ hơn 50 triệu tấn.
Nhưng nhờ khai thác tốt kênh xuất khẩu, 2 năm qua, ngành xi măng vẫn sản xuất và tiêu thụ vượt 100 triệu tấn. Riêng năm 2021, xuất khẩu xi măng, clinker đạt trên 45 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, là con số xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Nhưng, 7 tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu đã sụt giảm rất mạnh, chỉ đạt 18,8 triệu tấn, trị giá 833 triệu USD, giảm lần lượt 22,5% và 13% so với cùng kỳ. Trung Quốc, Philippines là 2 thị trường nhập khẩu chính của xi măng, clinker đã giảm nhập khẩu từ Việt Nam kéo theo sự suy giảm mạnh mẽ trong 7 tháng qua.
Theo ông Phạm Đức Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Nghi Sơn, với công suất trên 107 triệu tấn, xuất khẩu đã trở thành kênh tiêu thụ lớn của ngành xi măng, nhưng hoạt động xuất khẩu ngày càng gặp nhiều rào cản do mỗi quốc gia đều có chính sách khác nhau, chưa kể nhiều rào cản được dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước, buộc các doanh nghiệp phải vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường.
Chưa kể, thời gian qua, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong ngành xi măng nở rộ, hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Indonesia...đã gia nhập thị trường xi măng trong nước thông qua M&A (SCCC-Thái Lan mua lại xi măng Holcim và đổi thành Insee, SCG mua xi măng Bửu Long, Xi măng Sông Gianh, Tập đoàn YTL của Malaysiasở hữu Xi măng Fico (Tây Ninh), đổi tên thành Fico - YTT)...Những thương hiệu xi măng nội địa về tay các ông chủ ngoại có lợi thế xuất khẩu hơn nhiều doanh nghiệp trong nước.
Dự báo, từ nay đến hết năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của ngành xi măng vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường Philippines, Bangladesh đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Đơn cử, Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế trên 10 USD/tấn.