Giá tăng, doanh nghiệp gạo vẫn giảm kế hoạch lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá gạo tăng nhưng khi chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, khiến không ít doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Hiện tại, giá gạo nội địa tăng 2,5%, còn giá gạo xuất khẩu tăng 4,6% so với cuối năm 2021. Hiện tại, giá gạo nội địa tăng 2,5%, còn giá gạo xuất khẩu tăng 4,6% so với cuối năm 2021.

Nhu cầu gạo trên thế giới có thể tăng

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm hiện cao hơn 75% so với mức trước đại dịch Covid-19. Giá của nhiều loại lương thực, thực phẩm như lúa mì, ngũ cốc, dầu, thịt đều tăng vọt.

Đây là hệ quả từ nhiều yếu tố khác nhau, phần lớn đến từ giá phân bón và xăng dầu tăng mạnh do tác động từ xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Ukraine, Indonesia cấm xuất khẩu các mặt hàng quan trọng như lúa mì, dầu cọ đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung, đẩy giá lương thực lên cao.

Bà Sonal Varma, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Nhật Bản Nomura dự báo, giá lúa mì tăng có thể dẫn tới việc dùng gạo để thay thế một phần, làm gia tăng nhu cầu gạo.

Hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh là bốn quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc duy trì chiến lược “zero Covid”, làm chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn. Trong khi đó, các nhà chức trách Ấn Độ có thể xem xét hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Bà Sonal Varma nhận định, chi phí trồng trọt tăng lên, trong khi giá nguyên liệu tăng vọt đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao, nhiều khả năng số lượng các quốc gia áp dụng chủ nghĩa bảo hộ lương thực sẽ nhiều hơn.

Tín hiệu tốt từ xuất khẩu

Những năm gần đây, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 6,3 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là châu Á, tập trung vào Philippines và Trung Quốc.

Trong tháng 5/2022, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5 đạt hơn 710.000 tấn, trị giá 347 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 25,8% về trị giá so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 2,77 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng, nhưng giảm 3,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines là 1,27 triệu tấn, tăng 34,8%; xuất khẩu sang Trung Quốc là 389.000 tấn, giảm 19,5%; xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà là 273.000 tấn, tăng 37%.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ Việt Nam đạt đỉnh 11.679 đồng/kg vào tháng 1/2021 do hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Sau đó, giá gạo thế giới giảm dần bởi nguồn cung từ Ấn Độ tăng đột ngột sau thời gian bị dồn nén. Giá gạo thế giới cũng như trong nước đều tạo đáy vào tháng 1/2022 và nhích dần lên cho đến nay. Hiện tại, giá gạo nội địa tăng 2,5%, còn giá gạo xuất khẩu tăng 4,6% so với cuối năm 2021.

Thế giới thiếu lương thực nên triển vọng xuất khẩu gạo vẫn khả quan, nhưng chi phí đầu vào của ngành gạo tăng cao.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng, sự thiếu hụt lương thực trên thế giới do cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ đẩy giá gạo Việt Nam vào một chu kỳ tăng mới. Giá gạo trung bình năm 2022 dự kiến ở mức tương tự năm 2021.

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những ngày đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5, thị trường xuất khẩu gạo tương đối ổn định.

Phó chủ tịch VFA Đỗ Hà Nam dự báo, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, cũng như giá thành sản xuất nông nghiệp tăng trên toàn cầu, giá bán lương thực có thể duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nắm bắt được xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để mang lại hiệu quả lợi nhuận.

Doanh nghiệp gạo thận trọng với kế hoạch kinh doanh

Khả năng cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới hiện chưa được đánh giá cao và việc chen chân vào thị trường gạo cao cấp cũng chưa thuận lợi. Mặt khác, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như chủ nghĩa bảo hộ lương thực, lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu ở mức cao.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2022 so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Cụ thể, mục tiêu doanh thu giảm 51%, từ 8.004 tỷ đồng xuống 3.939 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 64%, từ 70 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng (năm 2021 đạt gần 45 tỷ đồng).

Angimex cho biết, xuất khẩu gạo tại thị trường châu Á nói chung có tỷ suất lợi nhuận thấp, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt, chi phí logistics tăng mạnh. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Công ty sẽ tập trung vào nhóm khách hàng chất lượng cao để xuất khẩu và chú trọng mảng doanh nghiệp gạo nội địa để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, ổn định số lượng tiêu thụ.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) cũng có động thái điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 27/6, Trung An giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế từ 600 tỷ đồng xuống 110 tỷ đồng, tương đương giảm gần 82% so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu gạo của Công ty nói riêng và cả Việt Nam nói chung là khả quan. Trung An có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thiếu gạo như châu Phi. Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá gạo của Việt Nam tăng rất chậm, trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh.

“Từ năm ngoái đến nay, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng dầu tăng rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp như hạn chế xuất khẩu phân bón, kêu gọi nông dân tăng cường sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để thay thế, còn việc giá xăng dầu tăng cao thì phải chấp nhận”, ông Bình nói và cho hay, Trung An đang đi theo hướng phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời, mã chứng khoán LTG), doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2022 đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4% so với năm 2021. Đây cũng là con số lợi nhuận kế hoạch đến năm 2024 của Lộc Trời, nhưng đó là mức tối thiểu.

Tổng giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty không đi lùi, mà dựa trên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu tố không đoán trước được. Ngoài ra, doanh thu của Lộc Trời phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá lúa gạo trên thị trường thế giới và sự cạnh tranh của các đối thủ. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác quốc tế để tăng hiệu quả chế biến lúa gạo và nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục