Giá năng lượng tăng vọt khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá năng lượng tiếp tục tăng mạnh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tới hai vùng ly khai của Ukraine.
Giá năng lượng tăng vọt khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Trong ngày 22/2, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thời điểm tăng tới 13%, giá dầu Brent tiến gần mức 100 USD/thùng, giá điện và than tăng. Động thái mới nhất của Nga là một sự leo thang mạnh mẽ trong thế trận đối đầu với phương Tây về vấn đề Ukraine, với việc Mỹ và Anh công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga.

Giá dầu Brent bật tăng mạnh trong phiên 22/2 (Nguồn: Trading Economics)

Giá dầu Brent bật tăng mạnh trong phiên 22/2 (Nguồn: Trading Economics)

Mặc dù không có thông tin chi tiết về số lượng binh lính có thể tham gia hoặc khi nào, nhưng một cuộc xung đột có thể đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, khoảng 1/3 trong số đó thường đi qua các đường ống xuyên Ukraine. Nga cũng là nhà xuất khẩu chính của nhiều mặt hàng, từ dầu thô đến các sản phẩm tinh chế.

Các biện pháp trừng phạt cũng có thể làm gián đoạn dòng chảy năng lượng, với bất kỳ hạn chế nào đối với khả năng giao dịch ngoại tệ của Nga đều có khả năng gây thách thức cho thị trường hàng hóa từ dầu khí sang kim loại đến nông nghiệp.

Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: “Điều này có nghĩa là giá khí đốt sẽ cao hơn trong thời gian dài vì thị trường đã rất căng thẳng trong nhiều tháng. Một số lệnh trừng phạt của Mỹ và EU có thể sẽ diễn ra sau đó”.

Khủng hoảng năng lượng

Thị trường năng lượng đã biến động mạnh theo chiều hướng tăng trong nhiều tuần qua và liên tục xoay chuyển trong thế đối đầu giữa phương Tây và Moscow. Châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt khiến giá tăng gấp bốn lần trong năm qua. Căng thẳng địa chính trị đã góp phần vào đà tăng giá bùng nổ của dầu sau khi thúc đẩy bởi sản lượng không thể theo kịp với nhu cầu hồi phục sau đại dịch.

Paul Horsnell, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Standard Chartered cho biết: “Xu hướng tăng cao hơn hiện tại là một phản ứng tự nhiên với mức độ không chắc chắn rất cao. Trường hợp cơ sở có lẽ vẫn là mức tăng đột biến cao hơn và sau đó là mức điều chỉnh thấp hơn đáng kể nếu các lệnh trừng phạt năng lượng có giới hạn hoặc các nước giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược để kiềm chế giá”.

Nga đã giữ dòng khí đốt đến châu Âu bị giới hạn kể từ mùa Hè, điều này làm hạn chế lượng bán trên thị trường giao ngay và không thể lấp đầy các kho chứa ở Liên minh châu Âu trước mùa Đông. Châu Âu đã tránh được dự đoán tồi tệ nhất về cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc mất điện, nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc vào Nga vì 1/3 nhu cầu khí đốt của họ.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết hôm thứ Ba (22/2) rằng nước này đặt mục tiêu giữ cho các dòng khí đốt không bị gián đoạn.

Ngoài ra, nguyên nhân của giá khí đốt tăng mạnh là do sau Đức cũng đình chỉ dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 với Nga, nhằm đáp trả quyết định công nhận hai vùng ly khai tại Ukraine độc lập.

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Sáu (18/2) cho biết, Nord Stream 2 sẽ là một phần của gói trừng phạt nếu Nga đưa quân vào Ukraine.

Tuy nhiên, châu Âu đang ở vị thế tốt hơn nhiều khi đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hiện nay so với cuối năm ngoái. Thời tiết ôn hòa và một đoàn vận tải khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đã làm chậm quá trình rút khỏi các kho dự trữ và hàng tồn kho đã giảm xuống mức kỷ lục sẽ trở lại trong phạm vi 5 năm trước khi kết thúc tháng 2 này.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục