Lo ngại xung đột quân sự Nga-Ukraine, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall thêm môt ngày giao dịch ảm đạm và giảm trong phiên thứ Sáu (18/2), do căng thẳng leo thang ở Ukraine với cảnh báo của Mỹ về một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Nga đã khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro.
Lo ngại xung đột quân sự Nga-Ukraine, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã di tản dân thường trên các chuyển xe buýt rời khỏi nhiều khu vực miền đông Ukraine để sang Nga, một diễn biến khác trong cuộc xung đột mà phương Tây tin rằng Moscow có kế hoạch sử dụng để biện minh cho cuộc tấn công quân sự toàn diện vào nước láng giềng. Nga cho biết họ không có ý định tấn công Ukraine, cáo buộc phương Tây gây sợ hãi.

Suy đoán về động thái tiếp theo của Fed cũng đè nặng lên thị trường, sau khi Chủ tịch Fed New York, ông John Williams cho biết rằng việc tăng lãi suất vào tháng 3 là thích hợp, mà không đề cập đến mức độ.

Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp tại Ingalls & Snyder ở New York cho biết: “Đây là một thị trường hoang mang, bối rối về Ukraine, bối rối về mức độ tích cực của Fed và bỏ qua khá nhiều kết quả kinh doanh rất tốt từ quý IV/2021”.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp kết thúc, với khoảng 78% trong số 417 công ty thuộc S&P 500 đã công bố lợi nhuận quý vừa qua cao hơn ước tính của các nhà phân tích theo dữ liệu của Refinitiv.

Dù vậy, đáng chú ý là cổ phiếu Roku Inc, khi phiên này giảm 22% sau doanh thu quý cuối cùng năm 2021 và triển vọng quý đầu tiên năm 2022 đáng thất vọng

Cổ phiếu DraftKings Inc cũng giảm 22% sau khi công ty cá cược thể thao này dự báo mức lỗ lớn hơn dự đoán vào năm 2022.

Các chỉ số chính đã ghi nhận mức giảm trong tuần thứ hai liên tiếp, do căng thẳng gia tăng giữa Moscow và phương Tây về Ukraine. Trong tuần, S&P 500 giảm 1,6%, Dow mất 1,9% và Nasdaq giảm 1,8%.

Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 232,85 điểm (-0,68%), xuống 34.079,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,39 điểm (-0,72%), xuống 4.348,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 168,65 điểm (-1,23%), xuống 13.548,06 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm và mất gần 2% trong tuần này do sự thận trọng xung quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,81% xuống 460,81 điểm và giảm 1,9% trong tuần với các cổ phiếu du lịch và ngân hàng là những nhóm giảm điểm lớn nhất.

Tuy nhiên, thông tin Ngoại trưởng Mỹ đồng ý cuộc gặp vào tuần tới với ngoại trưởng Nga, làm dấy lên hy vọng về một giải pháp ngoại giao và giúp hạn chế phần nào thiệt hại.

Phiên này, cổ phiếu Allianz giảm 3,8% và là lực kéo lùi STOXX 600 nhiều nhất, sau khi công bố cắt giảm một khoản tiền thưởng lớn cho giám đốc điều hành và hội đồng quản trị.

Trong khi đó, nhà sản xuất thuốc Orion của Phần Lan đã tăng 22,2% lên vị trí dẫn đầu của STOXX 600 sau khi có kết quả thử nghiệm khả quan về điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Kết thúc phiên 18/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 23,75 điểm (-0,32%) xuống 7.513,62 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 225,12 điểm (-1,47%), xuống 15.042,51 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 17,19 điểm (-0,25%), xuống 6.929,63 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do tình hình địa chính trị xung quanh Ukraine lại nóng lên, dù vậy, đà giảm được chặn lại sau khi có tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần tới.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các nhà phát triển bất động sản dẫn đầu đà đi lên, sau khi nhiều thành phố nới lỏng quy định cho vay thế chấp với người mua nhà.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán ồ ạt, sau khi các nhà quản lý của Trung Quốc đề xuất các biện pháp yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến giảm phí cho các nhà hàng.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, nhưng đã có tuần giảm thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến xung quanh Ukraine.

Kết thúc phiên 18/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 110,80 điểm (-0,41%), xuống 27.122,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,72 điểm (+0,66%), lên 3.490,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 465,06 điểm (-1,88%), xuống 24.327,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,43 điểm (+0,02%), lên 2.744,52 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu không đổi, khi các nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát, chờ đợi cuộc đàm phán vào tuần tới giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Nga.

Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay không đổi tại 1.899,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm hơn 1 USD xuống 1.898,8 USD/ounce.

Giá dầu đã kết thúc tuần giao dịch trong trạng thái trái chiều. Trong khi Brent vẫn giữ sắc xanh thì dầu WTI chìm trong sắc đỏ, nhờ triển vọng tăng trưởng xuất khẩu dầu của Iran làm lu mờ lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung bởi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Kết thúc phiên 18/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,69 USD (-0,76%), xuống 91,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+0,61%), xuống 93,54 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục