Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/3, thịt heo luôn đứng giá cao từ cuối năm 2019. Từ đầu tháng 3, giá lợn hơi đã có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức hơn 80.000 đồng một kg.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, giá thịt heo hơi cao là do nguồn cung thấp hơn cầu khi đàn heo bị giảm vì dịch bệnh và tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra Covid-19.
Ông cũng cho rằng, có hiện tượng găm hàng, hạn chế bán chờ giá lên tại một số nơi. "Cơ cấu trong giá thịt heo còn bất hợp lý, chi phí trung gian lớn, 40-45%", Phó thủ tướng nêu.
Giá thịt heo "neo" cao ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân khi dịch bệnh, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
"Giá phải ở mức hợp lý, đảm bảo đời sống người dân, lợi ích người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định vĩ mô", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh, đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân.
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết đã có nhiều cuộc họp, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Các doanh nghiệp như Masan, Dabaco, CP Việt Nam, Mavin... đã giảm giá bán thịt heo hơi, dao động 73.000 - 76.000 đồng một kg.
Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm nay, các doanh nghiệp cam kết sẽ kéo mặt bằng giá này về mức 70.000 đồng mỗi kg từ 1/4. Sau đó họ sẽ hạ giá thịt heo hơi về 65.000 và 60.000 đồng một kg trong quý II và III.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đưa ra 2 giải pháp chính giảm giá thịt heo, gồm kiểm soát, khống chế thành công dịch tả heo châu Phi, đẩy mạnh tái đàn gắn với an toàn sinh học.
Cùng đó thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung, phát triển sản xuất trong nước.
Hiện 99% số xã dịch tả heo châu Phi đã qua 30 ngày, 41 tỉnh, thành phố không tái phát dịch; còn 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Về tình hình tái đàn, tăng đàn, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, đến 10/3 tổng đàn heo cả nước gần 24 triệu con.
Trong đó lợn nái hơn 2,7 triệu con lợn, gồm 109.000 con cụ kỵ, ông bà. Tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm tăng 6,2%.
Bộ này dự kiến, tổng sản lượng thịt heo năm nay gần 3,9 triệu tấn, tăng dần theo các quý.
Quý I sản lượng là 811.000 tấn, tăng lên 950.000 tấn vào quý II; đạt hơn 1 triệu tấn quý III và khoảng 1,08 triệu tấn vào quý IV.
"Nguồn cung chăn nuôi sẽ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thịt heo vào cuối quý II, đầu quý III", Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn dự báo.
Cùng với đó, Thủ tướng đã cho phép tăng nhập khẩu thịt heo từ một số thị trường. Đến 27/3, gần 30.200 tấn thịt heo đã được nhập về Việt Nam, tăng 312% so với cùng kỳ 2019. Các thị trường nhập khẩu chính là Canada hơn 25,8%, Đức gần 21%, Ba Lan xấp xỉ 13,8%, Mỹ 7,7%...