Giá hàng hóa cơ bản biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá các hàng hóa cơ bản gần đây biến động mạnh dưới tác động của diễn biến kinh tế tại các nước lớn trên thế giới.
Giá đồng, sắt thép, lúa mì giảm, trong khi giá gạo, dầu và khí tự nhiên tăng Giá đồng, sắt thép, lúa mì giảm, trong khi giá gạo, dầu và khí tự nhiên tăng

Đồng giảm

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho thấy, giá đồng COMEX trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng là 8.303,7 USD/tấn, do dữ liệu thương mại và doanh số bán ô tô yếu của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về sức cầu.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 7/2023 giảm lần lượt 14,5% và 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh triển vọng tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 451.159 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm trong tháng 7, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện tình hình tiêu thụ đồng kém khả quan. Ngoài ra, doanh số bán xe chở khách giảm tháng thứ hai liên tiếp, với doanh số bán trong tháng 7 là 1,79 triệu chiếc, giảm 2,6% so với cùng kỳ.

Sắt thép tiếp tục đi lùi

Tương tự đồng, giá quặng sắt chịu tác động từ dữ liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc, giảm còn 100,29 USD/tấn. Hơn nữa, trong tháng 7, nước này nhập khẩu 93,48 triệu tấn quặng sắt, giảm 2,14% so với tháng 6, do trung tâm sản xuất thép lớn là thành phố Đường Sơn hạn chế sản lượng.

Tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục giảm giá bán sau gần 3 tuần đi ngang. Chẳng hạn, với thương hiệu thép Hoà Phát, giá thép D10 CB300 giảm 100 đồng/kg, xuống 13.790 đồng/kg, ghi nhận lần giảm thứ 15 liên tiếp kể từ tháng 4. Điều này cho thấy, nhu cầu thép xây dựng vẫn yếu trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng.

Dầu hồi phục

Giá dầu WTI trong tuần qua có thời điểm tăng lên sát mốc 83 USD/thùng, còn dầu Brent tăng lên mức 86,17 USD/thùng.

Trước đó, cả hai loại dầu thô này giảm giá khoảng 2 USD/thùng sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc công bố dữ liệu xuất nhập khẩu suy giảm trong tháng 7. Tuy nhiên, lực mua nhanh chóng quay trở lại khi giá dầu WTI chạm ngưỡng 80 USD/thùng. Thêm vào đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng dự báo giá dầu Brent bình quân trong nửa cuối năm nay từ mức 79 USD/thùng lên 86 USD/thùng, đồng thời duy trì quan điểm thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung dầu.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển suy giảm, sau khi Nga tuyên bố giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 (các lô hàng xuất khẩu gần đây dao động quanh mức 3,02 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 870.000 thùng/ngày so với mức đỉnh hồi giữa tháng 5).

Theo một cuộc khảo sát của S&P Global Commodity Insights, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 7 xuống mức thấp nhất gần 2 năm, do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia có hiệu lực. Điều này góp phần làm sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 6.

Báo cáo của EIA cho biết, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/8/2023. Con số này không nhiều so với mức giảm kỷ lục trong lịch sử 17 triệu thùng vào tuần liền trước. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lần lượt giảm 2,7 triệu và 1,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn khá tích cực.

Khí tự nhiên tăng vọt

Giá khí tự nhiên đã tăng vọt lên mức 2,96 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, đánh dấu chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp và chạm mốc cao nhất trong 5 tháng qua. Thời tiết nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas đã đẩy nhu cầu tiêu thụ điện lên cao, kéo theo nhu cầu sử dụng khí tự nhiên để sản xuất điện.

Bên cạnh đó, đình công tại Úc làm dấy lên lo ngại gián đoạn dòng chảy năng lượng từ Mỹ đến châu Âu. Úc là nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn thứ hai thế giới (sau Qatar), nên sự sụt giảm trong xuất khẩu sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Lúa mì đi xuống

Trong khi giá gạo tăng thì giá lúa mì lại giảm, lúa mì Chicago còn 233,32 USD/tấn, lúa mì Kansas còn 279,81 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá lúa mì vẫn đang ở mặt bằng cao, làm hạn chế nhu cầu đối với mặt hàng này trong ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong tháng 7/2023, nhập khẩu lúa mì của Việt Nam giảm 25,3% về lượng và giảm 26% về giá trị so với tháng 6. Tuy nhiên, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 2,8 triệu tấn lúa mì, giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD, lần lượt tăng 8,7% và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngọc Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục