Cụ thể, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dự kiến, sau Tết Nguyên đán, chậm nhất là trong tháng 3, Bộ Công thương sẽ có báo cáo chính thức lên Thủ tướng Chính phủ các vấn đề cụ thể liên quan đến giá điện để Chính phủ xem xét và sau đó sẽ có quyết định chính thức về việc tăng giá điện như thế nào và tăng bao nhiêu. Đây cũng là thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp mới đây nhất của 4 bộ thuộc Tổ điều hành kinh tế vĩ mô về việc theo dõi diễn biến tình hình giá cả thị trường.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ mà trước đó, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện đã khá rõ ràng khi ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định, tính đến cuối năm 2014, tổng cộng các chi phí còn “treo” lên tới hơn 13.000 tỷ đồng và việc tăng giá điện là một trong những giải pháp hữu hiệu để bù đắp các chi phí chưa cân đối được này. Tuy chưa cho biết lộ trình và mức độ đề xuất tăng giá cụ thể, song các động thái gần đây của EVN cũng như từ phía các cơ quan chức năng đã cho thấy việc tăng giá điện rất có khả năng sẽ diễn ra khá nhanh chóng ngay sau khi Bộ Công thương báo cáo Chính phủ, tức là chỉ sau tháng 3 này.
Tại cuộc họp báo, thông tin EVN đề xuất tăng giá điện lên 9,5% so với mức hiện nay đã được ông Hải xác nhận. "Trước đây, đúng là EVN cũng đã có đề xuất lên Bộ Công thương tăng giá bán lẻ điện với mức tăng khoảng 9,5% so với hiện nay. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức tính toán đề xuất từ phía EVN, còn thực tế tăng bao nhiêu, Bộ Công thương sẽ dựa trên chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ sau khi báo cáo chi tiết đề xuất tăng giá điện và trên cơ sở tình hình thực tiễn sẽ đưa ra quyết định”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, theo quy định hiện hành, EVN sẽ được tự quyết định việc tăng giá điện nếu như mức tăng đề xuất là dưới 7%, còn nếu mức tăng từ 7-10% thì EVN sẽ báo cáo Bộ Công thương xem xét quyết định. Trong trường hợp mức tăng giá điện đề xuất trên 10% thì Bộ Công thương sau khi tính toán xem xét phương án giá điện sẽ phải chuyển sang Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Với diễn biến này, có thể thấy rằng, khả năng mức tăng giá điện sẽ không thể thấp hơn mức đề xuất 9,5% của EVN đã đưa ra trước đó.
Lý giải về nguyên nhân phải xem xét tăng giá điện, ông Hải cho rằng, hiện nay, giá bán lẻ điện của Việt Nam trên thực tế là vẫn đang thấp hơn giá thành sản xuất. “Đây không phải kết luận chủ quan của chúng ta mà chính là đánh giá của các tổ chức quốc tế và Ngân hàng Thế giới sau khi đã xem xét kỹ trên cơ sở kết quả kiểm toán giá thành và chi phí sản xuất điện của EVN, bởi các tổ chức kiểm toán quốc tế do WB và nhiều tổ chức quốc tế đang cho vay đầu tư điện chỉ định. Việc giá bán điện dưới giá thành lâu nay khiến hầu hết các doanh nghiệp trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài không muốn bỏ vốn đầu tư sản xuất điện”, ông Hải phân tích.
Không chỉ có vậy, theo ông Hải, với tình trạng bán điện thấp hơn giá thành lâu nay, rút cục Chính phủ vẫn là người duy nhất phải đứng ra bù lỗ mà không phỉ chỉ là bù lỗ cho ngành điện, mà thực tế suy xét một cách thấu đáo thì là bù lỗ cho cả những ngành sản xuất tiêu tốn nhiều điện như ngành sản xuất xi măng, sắt thép và như vậy là không đúng với quy luật thị trường.
Ông Hải cho rằng, không chỉ Chính phủ mà bản thân các doanh nghiệp và người dân cũng sẽ được hưởng lợi bởi việc tăng giá điện sẽ đưa giá bán lẻ điện tiệm cận với thị trường, qua đó góp phần xóa bỏ tình trạng độc quyền trong sản xuất điện và tăng sức cạnh tranh khi có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia đầu tư sản xuất và bán điện trên thị trường. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh, bản thân ngành điện cũng phải nâng cao năng lực quản trị để giảm tổn thất điện năng và nhất là minh bạch giá điện.
Nhìn nhận về kiến nghị tăng giá điện của EVN, Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, mức tăng 9,5% là khá cao trong tình hình hiện nay, trong khi bản thân ngành điện chưa có sự công khai minh bạch các chi phí sản xuất và giá thành.
“Bản thân ngành điện chưa thực sự công khai minh bạch các chi phí sản xuất và giá thành, không thể cứ kêu lỗ chưa đủ giá thành là phải tăng giá lên mới đủ bù lỗ, mà quan trọng là phải đảm bảo giá thành sản xuất ở mức hợp lý và giá bán điện là giá thị trường thì việc tăng giá điện mới được chấp nhận”, ông Thái nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, mức tăng 9,5% là không hợp lý vì hiện giá nhiên liệu như xăng dầu đã giảm khá mạnh và vẫn đang tiếp tục giảm. Theo ông Doanh, nếu giá điện tăng cao quá sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế, còn nếu không thể không điều chỉnh giá điện thì chỉ nên tăng ở mức 4-5%. Ông Doanh cũng đề xuất, cần phải lập một hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá khách quan tình trạng lỗ hay lãi của EVN để đảm bảo việc tăng giá ở mức hợp lý.