Giá dầu thô xuống mức thấp nhất 3 tháng, kéo phố Wall đảo chiều

(ĐTCK) Nỗi lo dư cung khiến giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng trong phiên đầu tuần mới, kéo phố Wall giảm theo.
Giá dầu thô kéo phố Wall đảo chiều giảm điểm từ mức cao nhất lịch sử (Ảnh minh họa: AFP) Giá dầu thô kéo phố Wall đảo chiều giảm điểm từ mức cao nhất lịch sử (Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu giảm mạnh đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo, tác động tiêu cực lên phố Wall trong phiên đầu tuần mới. Ngoài ra, việc chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh của 190 doanh nghiệp trong S&P 500 và cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến phố Wall thiếu động lực để duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều trong sắc đỏ sau khi Dow Jones và S&P 500 liên tiếp có mức cao kỷ lục trong tuần trước.

Kết thúc phiên 25/7, chỉ số Dow Jones giảm 77,79 điểm (-0,42%), xuống 18.493,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,55 điểm (-0,30%), xuống 2.168,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,53 điểm (-0,05%), xuống 5.097,63 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh điều chỉnh giảm nhẹ như phố Wall, các thị trường quan trọng khác trong khu vực đều tăng điểm. Chứng khoán Đức tăng 0,5% sau khi khảo sát tinh thần kinh doanh IFO cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sau sự kiện Brexit.

Cụ thể, mặc dù chỉ số IFO giảm nhẹ xuống 108,3 trong tháng 7 từ 108,7 trong tháng 6, nhưng nó vẫn mạnh hơn nhiều so với mức dự báo 107,5 của giới phân tích theo cuộc khảo sát của Reuters.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố cũng hỗ trợ cho chứng khoán Đức và Phát có được sắc xanh, dù cổ phiếu vận tải và du lịch chịu ảnh tiêu cực sau khi Đức và Pháp liên tiếp xảy ra các vụ khủng bố.

Kết thúc phiên 25/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,35 điểm (-0,30%), xuống 6.710,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 50,78 điểm (+0,5%), lên 10.198,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 6,9 điểm (+0,16%), lên 4.388,00 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ có gói kích thích kinh tế vào cuối tuần này, cùng với việc phố Wall lập mức kỷ lục mới cuối tuần trước giúp chứng khoán Nhật Bản mở cửa tích cực. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực chốt lời đã khiến chỉ số Nikkei 225 quay đầu và đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Trái ngược với chứng khoán Nhật Bản, lực mua cuối ngày giúp chứng khoán Hồng Kông hồi phục và đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 25/7, chỉ số Nikke 225 giảm 6,96 điểm (-0,04%), xuống 16.627,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 29,17 điểm (+0,13%), lên 21.993,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 3,4 điểm (+0,11%), lên 3.015,83 điểm.

Chờ đợi các cuộc họp quan trọng của Fed vào thứ Ba, thứ Tư và BOJ vào cuối tuần khiến giới đầu tư trên thị trường thận trọng. Giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.315 USD/ounce trong phiên đầu tuần trước khi hồi nhẹ trở lại vào cuối phiên Mỹ, chốt phiên chỉ còn giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 25/7, giá vàng giao ngay giảm 6,8 USD (-0,51%), xuống 1.315,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,6 USD (-0,2%), xuống 1.319,5 USD/ounce.

Lo ngại về dư cung, giá dầu thô đã giảm hơn 2% ngay trong phiên đầu tuần mới, trong đó giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp nhất gần 3 tháng.

Cụ thể, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Genscape, kho dự trữ dầu thô Cushing tại Oklahoma tuần trước tăng 1,1 triệu thùng. Ngoài ra, con số hàng tồn kho sản phẩm dầu mỏ và xăng tăng cao lên mức kỷ lục khiến nhà đầu tư kém lạc quan về sự tái cân bằng của thị trường sẽ sớm xảy ra như dự báo trước đó của OPEC.

Kết thúc phiên 25/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,06 USD/thùng (-2,46%), xuống 43,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,97 USD (-2,17%), xuống 44,72 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục