Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp công bố trước đó đã giúp Dow Jones có 9 phiên tăng liên tiếp và liên tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Tuy nhiên, cũng chính kết quả kinh doanh đã khiến phố Wall đảo chiều giảm trong phiên thứ Năm.
Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu Intel giảm 4% sau khi nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới báo cáo tăng trưởng doanh thu chậm hơn dự báo.
Ngoài Intel, kết quả kinh doanh kém khả quan của các công ty vận tải và giá dầu giảm hơn 2% cũng khiến phố Wall mất điểm trong phiên thứ Năm, khiến đà tăng liên tiếp của Dow Jones dừng lại ở con số 9.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Dow Jones giảm 77,8 điểm (-0,42%), xuống 18.517,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,85 điểm (-0,36%), xuống 2.165,17 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,03 điểm (-0,31%), xuống 5.073,90 điểm.
Tương tự, các chỉ sô chính của chứng khoán châu Âu cũng giảm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu hàng không và du lịch khi số người đi du lịch cuối tuần giảm sau vụ khủng bố tại Nice (Pháp) và cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đà giảm không mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với những tác động tiêu cực từ sự kiện Brexit. Tuy nhiên, kết thúc cuộc hợp hôm thứ Năm, ECB đã giữ nguyên lãi suất và không đưa ra chương trình kích thích kinh tế mới nào.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,1 điểm (-0,43%), xuống 6.699,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,2 điểm (+0,14%), lên 10.156,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,51 điểm (-0,08%), xuống 4.376,25 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ sự tích cực trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ, cùng với việc đồng yên giảm và kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ có biện pháp kích thích kinh tế, chứng khoán Nhật Bản đã tăng khá mạnh, lên mức cao nhất 6 tuần. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng tăng mạnh và chỉ số Hang Seng lần đầu tiên trong năm nay đóng cửa trên mốc 22.000 điểm. Chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều tăng điểm sau chuỗi giảm nhiều phiên liên tiếp.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Nikke 225 tăng 128,33 điểm (+0,77%), lên 16.810,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 118,01 điểm (+0,54%), lên 22.000,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 11,11 điểm (+0,37%), lên 3.039,01 điểm.
Trong khi chứng khoán đảo chiều giảm điểm, thì giá vàng lại quay đầu tăng mạnh nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng khi giá kim loại quý chạm mức thấp nhất 3 tuần. Ngoài ra, đồng USD hạ nhiệt cũng gop phần hỗ trợ cho giá vàng hồi phục mạnh.
Kết thúc phiên 21/7, giá vàng giao ngay tăng 15,4 USD (+1,17%), lên 1.330,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 11,7 USD (+0,89%), lên 1.331,0 USD/ounce.
Sau khi hồi phục trong phiên thứ Tư, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dù dự trữ dầu thô của Mỹ có tuần giảm thứ 9 liên tiếp, nhưng vẫn ở mức cao nhất lịch sử 519,5 triệu thùng. Ngoài ra, tổng dự trữ sản phẩm dầu tăng 2,62 triệu thùng, lên mức cao nhất 2,08 tỷ thùng.
Kết thúc phiên 21/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1 USD/thùng (-2,23%), xuống 44,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,97 USD (-2,10%), xuống 46,20 USD/thùng.