Phố Wall tiếp tục lập đỉnh, giá vàng, dầu thô quay đầu giảm

(ĐTCK) Hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ giúp phố Wall có phiên tăng điểm thứ Hai, giúp Dow Jones và S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó, giá vàng và dầu thô quay đầu giảm do áp lực bán ngắn hạn và thiếu thông tin hỗ trợ.
Dù tăng nhẹ, nhưng cũng đủ sức giúp Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh minh họa: AFP) Dù tăng nhẹ, nhưng cũng đủ sức giúp Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh minh họa: AFP)

Sau phiên tạm nghỉ cuối tuần trước, phố Wall đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi cả 3 chỉ số đều có sắc xanh, giúp S&P 500 và Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Động lực giúp phố Wall tăng điểm trong phiên đầu tuần là kết quả kinh doanh khả quan của Bank of America và thương vụ mua bán, sáp nhập kỷ lục khi SoftBank chi 32 tỷ USD để mua công ty thiết chíp của Anh ARM Holdings.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Dow Jones tăng 16,5 điểm (+0,09%), lên 18.533,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,15 điểm (+0,24%), lên 2.166,89 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,19 điểm (+0,52%), lên 5.055,78 điểm.

Chứng khoán châu Âu có diễn biến giống phiên cuối tuần trước khi chứng khoán Anh nới rộng đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ sau thương vụ M&A đình đám giữa SoftBank và ARM Holdings. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu du lịch lại tiếp tục gây sức ép lên các thị trường chứng khoán Đức, Pháp sau vụ khủng bố tại Pháp và đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, làm giảm nhu cầu đi du lịch của người dân.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,18 điểm (+0,39%), lên 6.695,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 3,77 điểm (-0,04%), xuống 10.063,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,77 điểm (-0,34%), xuống 4.357,74 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày đầu tuần, thì chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng như phần lớn các thị trường chứng khoán khu vực khác và ảnh hưởng tích cực từ phố Wall, vượt qua sức ép từ thông tin về giá nhà giảm tại Trung Quốc.

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số Hang Seng tăng 149,93 điểm (+0,66%), lên 21.803,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 10,12 điểm (-0,33%), xuống 3.043,56 điểm.

Việc phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới đã gây sức ép lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm giá trong phiên đầu tuần mới. Áp lực bán ngắn hạn và thiếu thông tin hỗ trợ chính là yếu tố khiến giá vàng giảm khá mạnh phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 18/7, giá vàng giao ngay giảm 8,6 USD (-0,64%), xuống 1.328,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 8,4 USD (-0,63%), xuống 1.329,3 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm hơn 1% trong phiên đầu tuần khi thông tin mới công bố cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước, kết thúc chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Cụ thể, theo dữ liệu của Genscape, kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm dầu thô của Mỹ tăng 24.460 thùng trong tuần trước.

Tuy nhiên, giới phân tích kho dự trữ dầu thô của Mỹ vẫn sẽ có tuần giảm thứ 9 liên tiếp và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được dự báo sẽ có tháng giảm thứ 10 liên tiếp trong tháng 10.

Như vậy, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ không hỗ trợ nhiều cho giá vàng khi nó nhanh chóng được dập và sản lượng dầu vận chuyển chiếm 3% các chuyến chở dầu của thế giới qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ được khôi phục trở lại chỉ sau thời gian ngắn bị gián đoạn.

Kết thúc phiên 18/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,71 USD/thùng (-1,57%), xuôngs 45,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,65 USD (-1,38%), xuống 46,96 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục