
“Hiện tại, thị trường dầu mỏ vẫn thắt chặt, cho thấy thị trường có thể hấp thụ thêm sản lượng… Nhưng có những rủi ro gia tăng như căng thẳng thương mại đang diễn ra, ngụ ý rằng thị trường có thể trông bớt thắt chặt hơn trong 6-12 tháng tới, điều này sẽ gây ra rủi ro giảm giá”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS cho biết.
Trong cuộc họp cuối tuần qua, OPEC+ đã quyết định tiếp tục đẩy nhanh quá trình tăng dần sản lượng dầu vào tháng tới. Động thái này mang lại sự vui mừng cho người tiêu dùng nhưng cũng đe dọa gây tổn hại cho các nhà sản xuất, từ các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đến các thành viên của OPEC+.
Tuy nhiên, các quan chức OPEC+ cho biết, nhu cầu vào mùa hè là một lý do để lạc quan. Hàng tồn kho dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ chính tại Cushing đang giảm, chênh lệch giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế đang không cho thấy tình trạng thặng dư và kho dự trữ dầu diesel của Mỹ cũng giảm mạnh.
Quỹ đạo cung ứng
Nhu cầu nhiên liệu thường đạt đỉnh vào mùa hè ở Bắc bán cầu, điều này tạo cơ hội cho OPEC+ đẩy nhanh chiến lược nhằm giành lại thị phần đã mất trong những năm gần đây cho các đối thủ như các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ về việc tiếp tục đẩy nhanh tăng sản lượng trong tháng 8 đã thay đổi quỹ đạo của nguồn cung toàn cầu. Trong khi OPEC dự đoán thị trường cần thêm sản lượng để đáp ứng nhu cầu thậm chí đến hết tháng 12, thì các cơ quan dự báo khác lại tỏ ra không chắc chắn hơn về nhu cầu dầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán mức thặng dư sẽ bằng khoảng 1,5% mức tiêu thụ toàn cầu trong quý IV, ngay cả khi chưa tính đến đợt tăng sản lượng tháng 8 của OPEC+.
Giá dầu Brent đã giảm 11% trong hai tuần qua. Giá dầu đã tăng vọt trong cuộc xung đột giữa Iran và Israel vào tháng trước, nhưng đã nhanh chóng giảm trở lại khi dòng chảy dầu vẫn không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Goldman Sachs và JPMorgan đã dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống mức 60 USD/thùng trong năm nay khi mức tiêu thụ của Trung Quốc chững lại và thuế quan thương mại của Tổng thống Trump phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
OPEC+ đẩy nhanh tăng sản lượng trong tháng 8
Trong cuộc họp hôm thứ Bảy diễn ra dưới hình thức trực tuyến (5/7), OPEC+ đã quyết định sẽ khôi phục 548.000 thùng/ngày sản lượng đã cắt giảm trước đó vào tháng 8. Đây là bước tiến đáng kể so với mức tăng 411.000 thùng/ngày được ấn định vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7, vốn đã gấp ba lần khối lượng ban đầu được lên lịch cho những tháng đó.
Bên cạnh đó, OPEC+ sẽ xem xét thêm một đợt cắt giảm 548.000 thùng/ngày nữa cho tháng 9 tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 3/8, tiếp tục động thái tăng sản lượng trở lại từ mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày được thực hiện vào năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó.
"Việc chính thức đưa sản lượng đã cắt giảm trở lại là một chuyện, nhưng nguồn cung mới thực tế so với các con số công bố lại là chuyện khác… Phí bảo hiểm dầu diesel đang cho thấy thị trường đang ở trong tình trạng thiếu cung. Vì vậy, trừ khi chúng ta thấy điểm yếu thực tế thông qua sự gia tăng hàng tồn kho rõ ràng, tôi không thấy con đường nào cho giá dầu thô giảm xuống", Doug King, Giám đốc điều hành của RCMA Capital LLP cho biết.
Bên cạnh đó, OPEC+ cũng nhấn mạnh rằng, việc bổ sung nguồn cung có thể bị "tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào các điều kiện thị trường thay đổi". Nhưng trừ khi OPEC+ thực hiện tùy chọn đó, thì các thùng dầu bổ sung gần như chắc chắn sẽ làm giá giảm sâu hơn nữa.
Mặt khác, động thái tăng sản lượng của OPEC+ có thể sẽ xoa dịu lời kêu gọi liên tục của Tổng thống Trump về việc giảm giá nhiên liệu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, việc giá dầu sụt giảm sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.
Các giám đốc điều hành trong ngành đá phiến cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây rằng, họ dự kiến sẽ khoan ít giếng dầu hơn đáng kể trong năm nay so với kế hoạch vào đầu năm 2025 khi giá dầu giảm. Và nỗi đau này cũng có thể lan rộng đến các quốc gia OPEC+.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út cần giá dầu ở mức hơn 90 USD/thùng để trang trải chi tiêu của chính phủ, vì Thái tử Mohammed bin Salman đang bắt tay vào một kế hoạch cấp tiến nhằm chuyển đổi nền kinh tế nước này.
Neil Atkinson, nhà phân tích độc lập và cựu giám đốc bộ phận thị trường dầu mỏ và công nghiệp của IEA cho biết: "Họ có thể thay đổi hoàn toàn… Nhưng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo thị phần và chấp nhận giá dầu ở mức thấp hơn".