Giá dầu khó cải thiện, doanh nghiệp dầu khí còn chật vật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chevron Corp, hãng dầu mỏ khổng lồ Mỹ vừa công bố quý II thua lỗ nặng nhất trong 3 thập kỷ qua và cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể tàn phá sức khỏe của ngành năng lượng, khiến những điều tồi tệ hơn có thể xảy đến.
Giá dầu khó cải thiện, doanh nghiệp dầu khí còn chật vật

Trong quý II/2020, Chevron báo lỗ 3 tỷ USD, cao gấp đôi các dự báo được đưa ra trước đó và là mức thấp nhất kể từ năm 1989. Diễn biến này phần nào thể hiện những tác động trực diện của việc giá dầu lao dốc, nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm vì đại dịch, tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành năng lượng.

Đáng chú ý, CEO Mike Wirth cảnh báo: “Dù nhu cầu và giá cả hàng hóa có dấu hiệu phục hồi, nhưng sẽ không quay trở lại trước thời điểm đại dịch. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế có thể tiếp tục nhấn chìm thị trường trong quý III/2020”.

Exxon Mobil Corp, đối thủ lớn nhất của Chevron tại Bắc Mỹ được dự báo sẽ báo lỗ nặng nhất trong quý II/2020 kể từ khi các số liệu kinh doanh được công bố. Trước đó, ConocoPhillips cũng cho biết, mức lỗ quý II/2020 là nặng nhất trong 4 năm qua.

Trong bối cảnh này, diễn biến giá dầu thời gian tới nhiều khả năng chưa có sự cải thiện, thậm chí còn theo hướng đi xuống.

Giá dầu thô Brent tuy đã tăng khoảng 128% so với mức đáy vào tháng 4/2020, nhưng vẫn duy trì mức dưới 40 USD/thùng kể từ giữa tháng 6/2020 cho tới nay. Trong khi đó, việc nguồn cung gia tăng và nhu cầu ở mức thấp tiếp tục tạo áp lực đè nặng lên giá loại năng lượng này.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, còn gọi là nhóm OPEC+, đã xác nhận sẽ tiến hành nới lỏng quy định sản lượng đầu ra kể từ đầu tháng 8/2020. Điều này sẽ khiến sản lượng sản xuất tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Abdulaziz bin Salman, đa phần sản lượng tăng sẽ không được cung cấp ra thị trường toàn cầu, mà chỉ phục vụ nhu cầu nội địa vào mùa cao điểm khi cần năng lượng để chạy điều hòa.

Tuy nhiên, OPEC+ không phải là đối tượng duy nhất tăng sản lượng. Hoạt động sản xuất tại Bắc Mỹ cũng bắt đầu phục hồi sau cú sốc đại dịch.

Số liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) cho thấy, sản lượng đầu ra đã nhích dần lên trong vài tuần gần đây so với mức đáy vào tháng 3/2020.

Chưa kể, việc sản xuất dầu đá phiến cũng tích cực hơn khi có thêm các giếng dầu mới đi vào vận hành, trong khi các giếng dầu cũ được tái khởi động.

Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, tháng 7 sẽ là tháng đầu tiên trong năm 2020 chứng kiến số lượng giếng dầu đá phiến hoạt động gia tăng.

Về phía nhu cầu, sau khi “khuấy động” thị trường với việc mua vào dầu thô ở mức giá đáy tháng 4, lực mua từ Trung Quốc đã giảm dần.

Khối lượng dầu dự trữ tại các kho chứa thuộc tỉnh Sơn Đông, nơi “đóng quân” của các nhà máy chế xuất lớn, đã tăng 28% kể từ giữa tháng 5 cho tới nay, chạm tới mức cao nhất 5 tháng qua. Đó là chưa kể một lượng lớn đang nằm trên các con tàu ngoài cảng sẽ cập bến trong 2 tháng tới.

Đáng chú ý, theo Facts Global Energy, tình hình lũ lụt trên toàn quốc có thể khiến nhu cầu khí đốt và dầu của Trung Quốc giảm khoảng 5% trong năm nay.

Tại Mỹ, nếu như mùa hè là cao điểm của giao thông và sử dụng năng lượng, thì việc số lượng ca nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng khiến các lệnh hạn chế đi lại được áp dụng.

Nhu cầu sử dụng năng lượng vì vậy cũng giảm mạnh so với mọi năm. Số liệu từ TomTom Traffic Index cho thấy, lưu lượng xe cộ trên các con đường tại thành phố lớn như Miami, Los Angeles và Houston còn chưa đạt tới 40% ngưỡng trước đại dịch.

Tại châu Âu, lưu lượng giao thông thậm chí đang có xu hướng xuống dốc khi các lệnh phong tỏa/giãn cách một lần nữa được áp dụng trước làn sóng thứ hai.

Trong khi đó, ngành hàng không vẫn đang vật lộn giữa đại dịch. Số lượng các chuyến bay thương mại chỉ tương đương một nửa ngưỡng đầu năm, theo số liệu từ Flightradar24.

Tất cả các số liệu này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang chịu áp lực ở cả nguồn cung và nhu cầu, khiến giá dầu chưa có khả năng cải thiện trong thời gian tới.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục