Nhóm nghiên cứu hàng hóa của Tập đoàn đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đánh giá, dù giá dầu hiện đứng giá trên 40 USD/thùng và nguồn cung sẽ hồi phục, nhưng rủi ro trượt giá ngày càng rõ rệt. Giá dầu có thể sẽ điều chỉnh khoảng 15-20% dù chứng kiến phiên bán tháo khiêm tốn ngày 8/6 vừa qua.
“Giá dầu gần đây có chiều hướng tăng, nhưng chúng tôi vẫn lưỡng lự dự báo việc tăng giá sẽ kéo dài vì nhiều lý do”, các chuyên gia Goldman Sachs lý giải. Trong đó, không thể bỏ qua nguyên nhân tồn kho quá lớn, thậm chí ước tính lên tới 1 tỷ thùng do các hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại trên thế giới vẫn bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
“Giá dầu đang trong quá trình tái cân bằng do thị trường vẫn đối mặt với nguy cơ tồn kho hàng tỷ thùng”, nhóm nghiên cứu Goldman Sachs cho biết, đồng thời đánh giá giá dầu tăng lên gần đây là điều đáng ngạc nhiên khi lượng tồn kho còn quá lớn và áp lực nhu cầu dầu mỏ giảm sâu đè nặng các thị trường năng lượng.
Một số nhà phân tích tin rằng có thể đến giữa năm 2021 tình hình tồn kho dầu mỏ mới có thể được cải thiện nếu nhu cầu dầu mỏ phục hồi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh kiên trì cắt giảm sản lượng.
Nhu cầu dầu mỏ trong tình hình hiện nay là biến số không thể xác định. Các nhà chức trách y tế vẫn lo ngại rủi ro làn sóng nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và khi đó các lệnh phong tỏa lại được tái áp dụng.
Tuần trước, OPEC và các đồng minh thống nhất tiếp tục cắt giảm sản lượng đến tháng 7 thì các nhà đầu tư quay sang lo ngại nhu cầu dầu mỏ. Giá dầu Brent đã hồi phục gần 40% trong tháng 5. Giá dầu hiện tại đang có lợi do đồng đô la Mỹ suy yếu và việc Trung Quốc tăng thu mua dầu mỏ.
Các đơn vị phân tích thị trường trên thế giới cho rằng triển vọng thị trường dầu mỏ vẫn hỗn hợp, giá dầu tăng giảm đan xen. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo triển vọng dầu mỏ tiêu cực và cho rằng giá dầu sẽ giảm trung bình 8 USD/thùng trong năm 2020.
Trước cú sốc Covid-19 nặng nề và kéo dài tới nhu cầu dầu mỏ thế giới, Moody’s dự báo giá dầu Brent sẽ giảm về mức trung bình 35 USD/thùng trong năm 2020 và 45 USD/thùng vào năm 2021. Còn trong trung hạn, giá dầu có thể đứng ở ngưỡng 45 - 65 USD/thùng.
Trong khi đó, Goldman nhận định giá dầu Brent sẽ bị kéo trở lại mức 35 USD/thùng trong những tuần tới. Còn Ngân hàng MUFG Nhật Bản đưa ra dự báo tương tự với giá dầu Brent ước đạt khoảng 35 USD/thùng trong quý III/2020, nhưng ngân hàng này tin tưởng hơn vào sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ, cũng như việc Trung Quốc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ước tính của Công ty năng lượng Rystad Energy (Na Uy), giá dầu sẽ dao động quanh mức 40 USD/thùng trong những ngày còn lại của tháng 6. Theo lý giải của Rystad Energy, việc dự báo phụ thuộc nhiều vào 3 tác nhân chính, gồm: dịch Covid-19, hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và quyết tâm của OPEC cùng các đối tác trong thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng.