OPEC+ dự kiến nới lỏng sản lượng trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo lịch trình, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng (còn gọi là OPEC+) sẽ nới lỏng sản lượng trong tháng 8. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Liệu đây đã là thời điểm phù hợp?

Vào giữa tuần, OPEC và các đồng minh đã có cuộc họp để xem xét lại quá trình thực hiện cắt giảm sản lượng của các thành viên tham gia thỏa thuận, cân nhắc hiệu quả đạt được trong việc tái cân bằng cung - cầu trên thị trường.

Phiên họp này không đưa ra những thay đổi chính sách theo thỏa thuận trước đó giữa các bộ trưởng dầu mỏ, nhưng sẽ đánh giá tiến trình thực hiện trong thời gian qua, phục vụ cho việc nới lỏng sản lượng vào tháng 8.

Theo thỏa thuận đạt được vào tháng 4/2020, OPEC+ sẽ duy trì sản lượng ở mức dưới 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Tới cuộc họp trực tuyến ngày 6/6, các bộ trưởng dầu mỏ quyết định gia hạn thêm 1 tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc khi tháng 7 kết thúc, các quốc gia thành viên có thể đưa hoạt động sản xuất dần trở về mức bình thường. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường vẫn là yếu tố có thể thay đổi thời hạn của thỏa thuận.

Hiện tại, theo giới quan sát, có 4 lý do để việc nới lỏng quy định cắt giảm sản lượng sẽ diễn ra đúng kế hoạch.

Thứ nhất, dự báo triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu có phần lạc quan hơn, nhất là so với thời điểm cuộc họp gần nhất diễn ra vào tháng 6. Cụ thể, sự suy giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong quý II không quá tồi tệ như những dự báo trước đó.

Tính từ đầu năm tới nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu ở mức cao hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với báo cáo của cuộc họp OPEC+ gần nhất. Với việc thời điểm tồi tệ nhất dường như đã qua, sẽ hợp lý nếu các nhà sản xuất dần khôi phục sản lượng đầu ra.

Thứ hai, hoạt động chế xuất dầu mỏ bắt đầu hồi phục. Các nhà sản xuất sử dụng dầu mỏ là nguyên liệu đầu vào đang quay trở về guồng quay thường nhật. Theo cập nhật từ các doanh nghiệp vận tải, các chuyến hàng chở dầu cập bến tháng 8/2020 đã bắt đầu lên đường.

Thứ ba, việc dần nới lỏng sản lượng cần thực hiện theo lộ trình nhất định và những thay đổi trong tháng 8 là cần thiết. Đầu tháng 7/2020, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã chia sẻ quan điểm rằng, để duy trì sự ổn định của thị trường, OPEC+ cần thay đổi từng bước nếu có thể, ít nhất là trong vài tháng tới.

Thứ tư, các quốc gia OPEC+ đang chứng kiến các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ dần mở lại các giếng dầu bị đóng trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về việc khôi phục hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Mỹ, song động thái này khiến OPEC+ cần có hành động để không “hụt bước” trong cuộc đua thị phần.

OPEC+ dự kiến nới lỏng sản lượng trong tháng 8 ảnh 1

Dẫu vậy, việc nới lỏng quy định cắt giảm sản lượng sẽ đi kèm với những rủi ro nhất định. Phải thừa nhận rằng, đại dịch Covid-19 chưa bị khống chế và những làn sóng lây nhiễm tiếp theo có thể xảy ra, tác động mạnh tới đà hồi phục của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Theo số liệu của TomTom Traffic Index, lượng xe cộ lưu thông tại các thành phố vẫn ở mức thấp so với trung bình năm 2019, trong khi số lượng các chuyến bay thương mại mới ở mức tương đương một nửa tháng 1/2020, ngay cả khi mùa hè đã bắt đầu - vốn là mùa cao điểm của các chuyến du lịch tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ…

Bên cạnh đó, câu hỏi về đà hồi phục của nền kinh tế vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Đáng chú ý, vấn đề thời gian cũng khiến OPEC+ phải đau đầu. Việc nới lỏng sản lượng vào tháng 8 đồng nghĩa với việc các chuyến hàng mới sẽ cập bến các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu vào giữa tháng 9 - thời điểm mùa hè kết thúc và các nhà chế xuất bắt đầu quy trình bảo dưỡng trước khi vào mùa đông. Khi đó, nhu cầu với dầu mỏ thường giảm sút.

Chưa kể, trong thời gian từ tháng 4 tới nay, không ít quốc gia nhập khẩu, nhất là Trung Quốc, đã tận dụng thời điểm giá dầu xuống thấp để tích lũy nguyên liệu đầu vào. Trong tháng 6, lượng dầu Trung Quốc mua từ Ả Rập Xê út và Iraq đã giảm 1,4 triệu thùng/ngày so với tháng 5 và các tàu chở dầu phải đợi hàng tuần tại các cảng biển mới được dỡ hàng.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục