Giá dầu giảm sâu, cơ hội cho các ngành nào?

(ĐTCK) Nhiệt điện khí, phân bón, hóa chất… là những ngành sẽ được hưởng lợi từ giá dầu lao dốc, hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2002, trong khi hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều từ tác động của dịch Covid-19.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Giá dầu lao dốc

Ngày 8/3, Ả rập Xê út đưa ra thông báo có thể nâng sản lượng sản xuất thêm đến 2 triệu thùng/ngày, sau khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung trước đó, khiến giá dầu thế giới giảm mạnh từ mức 41 USD/thùng xuống mức 31 USD/thùng trong phiên giao dịch 9/3.

Những ngày sau đó, tình trạng căng thẳng giữa Nga và OPEC trong cuộc chiến giá dầu nhằm tranh giành thị phần không có dấu hiệu hạ nhiệt, kết hợp với nhu cầu sử dụng dầu khí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và vận chuyển trên toàn thế giới chậm lại từ tác động của dịch Covid-19 khiến giá dầu thô tiếp tục giảm, hiện chỉ dao động quanh mức 20 USD/thùng.

Giá dầu giảm sâu, cơ hội cho các ngành nào? ảnh 1

Diễn biến giá hợp đồng tương lai dầu thô WTI từ năm 2001 đến nay.

Ðây là mức thấp nhất trong vòng 17 năm, kể từ năm 2002.

Trong khi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, thì giá dầu lao dốc là yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nguyên nhiên liệu đầu vào từ dầu mỏ.

Giai đoạn 2015 - 2016, nhiều doanh nghiệp lãi “khủng” như BMP, NTP, SKG… chủ yếu nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm theo giá dầu. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này theo đó tăng cao.

Bối cảnh hiện tại khác nhiều so với giai đoạn 2015 - 2016, nhất là khi thị trường chứng khoán đang giảm mạnh do tâm lý bi quan từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Việc nhà đầu tư cẩn trọng khi giải ngân vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu là cần thiết.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là có thể hưởng lợi từ giá dầu lao dốc.

Dưới đây là một số ngành nghề có khả năng hưởng lợi nếu giá dầu duy trì ở mức thấp, trong khi hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều từ tác động của dịch Covid-19.

Nhiệt điện khí

Giá khí đầu vào chiếm khoảng 70 - 80% giá vốn của các doanh nghiệp nhiệt điện khí. Hiện nay, giá khí bán cho các nhà máy điện được xác định căn cứ một phần theo giá MFO (giá dầu FO trung bình tháng tại thị trường Singapore), nên biến động của giá dầu thế giới sẽ có tác động trực tiếp đến giá khí đầu vào của các doanh nghiệp nhiệt điện khí.

Giá dầu giảm sâu, cơ hội cho các ngành nào? ảnh 2

Sản xuất và tiêu thụ điện Việt Nam giai doạn 2013 - 2018.

Nguồn cung khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện khí trên cả nước được cung cấp bởi Tập đoàn Khí Việt Nam - CTCP (GAS), trong khi đầu ra của các doanh nghiệp nhiệt điện được bán cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng mua bán điện (PPA) và trên thị trường giao ngay.

Ðối với hợp đồng PPA, giá bán điện cho EVN được tính dựa trên giá khí đầu vào để giảm thiểu rủi ro cho các nhà máy điện.

Tuy nhiên, trên thị trường giao ngay, giá khí giảm sẽ giúp các doanh nghiệp nhiệt điện khí cải thiện được biên lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh so với các loại hình phát điện khác.

Về nhu cầu sử dụng điện, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đến các hoạt động sản - kinh doanh và dịch vụ sẽ làm giảm mức sử dụng điện của khối doanh nghiệp, nhưng nhu cầu sử dụng điện của hộ gia đình gia tăng khi người dân ở nhà nhiều hơn.

Theo số liệu của Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), sản lượng điện tiêu thụ điện của cả nước trong hai tháng đầu năm 2020 là 36,2 tỷ kWh, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 2, lượng điện tiêu thụ cả nước tăng 24% so với cùng kỳ.

Trong số các doanh nghiệp nhiệt điện đang niêm yết, đa số là doanh nghiệp nhiệt điện than, một số doanh nghiệp nhiệt điện khí là NT2, BTP.

Phân bón

Chi phí nguyên liệu khí chiếm khoảng 50 - 60% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp phân urê. Toàn bộ khí đầu vào được GAS cung cấp và tính theo giá dầu FO nên các doanh nghiệp sản xuất phân urê sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi giá dầu giảm.

Bên cạnh chi phí sản xuất, phân bón là ngành có chi phí vận chuyển lớn nên việc giá nhiên liệu giảm cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động.

Ðối với tác động từ dịch Covid-19, tình trạng nông sản ứ đọng ở các cửa khẩu Trung Quốc giai đoạn đầu năm khiến nông dân thu hẹp sản xuất, khiến nhu cầu các mặt hàng phân bón giảm. Tuy nhiên, thị trường nông sản bắt đầu hoạt động ổn định trở lại từ cuối tháng 3 khi Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ở thị trường trong nước, nhu cầu lương thực và thực phẩm gia tăng khi người dân có xu hướng dự trữ lương thực trong mùa dịch. Yếu tố này sẽ hỗ trợ cho nông dân gia tăng sản xuất và qua đó thúc đẩy mức tiêu thụ phân bón trong nước.

Cả nước hiện nay chỉ có DCM và DPM là 2 doanh nghiệp sản xuất phân đạm trên nguồn nguyên liệu khí, do mức đầu tư cho các nhà máy sản xuất phân đạm từ khí tương đối cao. Cả 2 doanh nghiệp đều thuộc sở hữu của công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Về mặt tài chính, DPM và DCM ít sử dụng nợ vay và có lượng tiền mặt lớn trong tài sản, nhưng lợi nhuận thiếu tính ổn định.

Hóa chất

Trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến kéo dài, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có tính chất tẩy rửa để phòng ngừa dịch bệnh như nước rửa tay, bình xịt khử khuẩn, nước lau nhà… sẽ gia tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu các mặt hàng hóa chất 2 tháng đầu năm tăng 9,9% và là một trong số ít mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng dương.

Hóa chất cũng được lợi khi giá dầu suy giảm, bởi một số sản phẩm hóa chất đầu vào của ngành như lưu huỳnh, nhựa đường, LAS (chất tẩy rửa bề mặt)… có nguồn gốc từ quá trình lọc hóa dầu.

Giá dầu ở mức thấp sẽ giúp giá thành của các sản phẩm hóa chất này thấp hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm giúp các doanh nghiệp hoá chất tiết kiệm một phần chi phí vận chuyển khi phần lớn các sản phẩm hóa chất đầu vào này chủ yếu là hàng nhập khẩu, do năng lực hóa dầu trong nước chưa cao.

Giá dầu giảm sâu, cơ hội cho các ngành nào? ảnh 3

Doanh thu của LIX và NET giai đoạn 2008 - 2019.

Trong các doanh nghiệp hóa chất đang niêm yết, LIX và NET là 2 doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu giảm. Nguyên liệu sản xuất chính của 2 doanh nghiệp là chất tẩy rửa bề mặt, chiếm khoảng 60 -80% chi phí giá vốn.

Sản phẩm chính của LIX và NET là các sản phẩm tẩy rửa gia dụng như bột giặt, nước rửa bát, nước lau nhà... Mới đây, LIX đã cho ra mắt sản phẩm gel rửa tay khô mang, phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ðan Hạ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ