Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, giá dầu ngay lập tức chịu tác động. Giá dầu thô Brent đã giảm kể từ đầu tháng 7/2018, nhất là khi Mỹ chính thức áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay lập tức, Đại lục đã có hành động đáp trả tương tự. Theo các chuyên gia kinh tế, những động thái “ăn miếng trả miếng” sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, với quy mô và mức độ ngày càng gia tăng.
Với diễn biến này, nền kinh tế của 2 quốc gia Mỹ - Trung nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ chịu tác động tiêu cực, tạo nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ từ Đại lục – vốn đang là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ đi xuống, ảnh hưởng trực tiếp tới giá dầu.
Hiện tại, theo ước tính của các chuyên gia phố Wall, giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 67 USD/thùng tính cho tới cuối năm 2018. Dự báo này được đưa ra dựa trên việc phân tích 2 yếu tố.
Nguồn cung dầu gia tăng
Trong tháng trước, OPEC cùng một số đồng minh đã quyết định nới lỏng thỏa thuận giới hạn lượng dầu đầu ra, vốn đã được tiến hành kể từ tháng 1/2017. Nguyên nhân là thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã thành công trong việc thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong thời gian sớm hơn kế hoạch (cuối năm 2018). Do đó, để tranh thủ cơ hội giá dầu cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, OPEC cùng các thành viên sẽ nới lỏng thỏa thuận này.
Thêm vào đó, đây là động thái nhằm bù đắp lại lượng dầu từ một số quốc gia thành viên. Cụ thể, hoạt động khai thác dầu của Iran chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ, trong khi sản lượng tại Libya thất thường và các nhà sản xuất dầu của Venezuela khốn đốn vì khủng hoảng kinh tế. Chưa kể, việc gia tăng sản lượng sẽ cho phép OPEC củng cố thị phần trên thị trường.
Bên cạnh nguồn cung từ OPEC, các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đã nâng sản lượng đầu ra kể từ khi giá dầu phục hồi. Tính tới 6/7/2018, sản lượng dầu tại Mỹ đã lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 10,9 triệu thùng/ngày, tăng 25% so với tháng 11/2016.
Với việc OPEC nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng và các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ mở rộng sản xuất, các chuyên gia kinh tế dự báo thị trường dầu mỏ sẽ vẫn trong tình trạng dư cung.
Nhu cầu từ Trung Quốc đi xuống
Việc Mỹ và Trung Quốc đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau là nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình. Tuy nhiên, hành động này chắc chắn sẽ có những tác động tới các lĩnh vực kinh tế trong ngắn hạn. Hiện tại, giá dầu đang trải qua giai đoạn chịu áp lực vì những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại này.
Giá dầu thô Brent, loại dầu tiêu chuẩn trên toàn cầu, đang giao dịch quanh mức 79 USD/thùng vào đầu tháng 7, đã giảm khoảng 7%, xuống còn 73 USD/thùng hiện tại. Khi các xung đột thương mại trở nên căng thẳng hơn, các chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm xuống trong vài tháng tới.
Mỹ đang là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc, việc chịu thuế dẫn tới hoạt động sản xuất, bán hàng chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm xuống. Việc nhu cầu từ một trong những quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đi xuống chắc chắn sẽ khiến giá dầu giảm. Đặc biệt, yếu tố này kết hợp với dư cung sẽ là bộ đôi kìm kẹp chặt giá dầu.