Giá dầu đảo chiều tăng, “virus” bán tháo được ngăn chặn

(ĐTCK) Nhờ giá dầu đảo chiều tăng mạnh trở lại đã giúp ngăn chặn sự lây lan của “virus” bán tháo từ thị trường chứng khoán Trung Quốc lây lan sang chứng khoán Âu, Mỹ.
Nhờ hàng loạt thông tin tích cực, phố Wall đã miễn nhiễm với đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc để có phiên hồi phục tích cực (Ảnh minh họa: AFP) Nhờ hàng loạt thông tin tích cực, phố Wall đã miễn nhiễm với đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc để có phiên hồi phục tích cực (Ảnh minh họa: AFP)

Theo dữ liệu vừa công bố, niềm tin tiêu dùng của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 1/2016 tăng lên mức 98,1 từ mức 96,3 trong tháng 12/2015 bất chấp chứng khoán bị bán tháo đầu năm và giá nhà ở trong tháng 11/2015 được điều chỉnh tăng 0,9% theo mùa so với tháng 10. Điều này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của nền kinh tế Mỹ, dù đà tăng trưởng trong những tháng gần đây đã chậm lại.

Niềm tin của thị trường lao động Mỹ cũng khả quan khi theo một khảo sát, tỷ lệ số hộ gia đinh dự báo sẽ có nhiều việc làm hơn tháng trước tăng lên mức 13,2% từ mức 12,4% của tháng trước, trong khi tỷ lệ những hộ gia định dự báo số việc làm ít hơn đã giảm so với tháng trước.

Bên cạnh đó, mùa công bố kết quả kinh doanh khởi đầu đầy tích cực khi 3M Co và P&G đều công bố kết quả khả quan, góp phần giúp phố Wall miễn nhiếm với “virus” bán tháo của chứng khoán Trung Quốc như phiên đầu tuần.

Tuy nhiên, “kháng sinh” hiệu quả nhất giúp phố Wall miễn nhiễm với “virus” bán tháo từ chứng khoán Trung Quốc là giá dầu thô đảo chiều tăng mạnh trở lại, kéo các hàng hóa nguyên liệu khác tăng theo, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng và hàng hóa tăng mạnh.

Với những thông tin tích cực trên, phố Wall đã có phiên hồi phục ấn tượng trong phiên thứ Ba khi cả 3 chỉ số chính đều tăng hơn 1%, trong đó tăng mạnh nhất là Dow Jones, tăng gần 1,8%.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Dow Jones tăng 282,01 điểm (+1,78%), lên 16.167,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,55 điểm (+1,41%), lên 1.903,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,18 điểm (+1,09%), lên 4.567,67 điểm.

Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Á, nhất là chứng khoán Trung Quốc đã khiến giới đầu tư chứng khoán châu Âu giật mình bán mạnh ngay khi thị trường mở cửa. Đà bán tháo khiến các chỉ số chính của khu vực giảm hơn 1% ngay khi mở cửa, nhưng nhờ sự phục hồi của giá dầu thô đã chặn đứng đà bán tháo, giúp chứng khoán châu Âu hồi phục dần và đóng cửa với sắc xanh đậm, đánh dấu phiên đảo chiều ngoạn mục.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,46 điểm (+0,59%), lên 5.911,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,6 điểm (+0,89%), lên 9.822,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 45,48 điểm (+1,05%), lên 4.356,81 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin dòng vốn ngoại rút khỏi khỏi Trung Quốc trong năm 2015 ước tính 1.000 tỷ USD đã khiến giới đầu tư hoảng sợ bán tháo đồng loạt, kéo chỉ số Shanghai Composite lao dốc hơn 6,4%, xuống mức thấp nhất 13 tháng. Đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lây lan sang chứng khoán Hồng Kông và Nhật Bản, khiến các thị trường này cũng giảm mạnh trong phiên thứ Ba. Thậm chí, ảnh hưởng cả tới chứng khoán châu Âu khi mở cửa.

Kết thúc phiên 26/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 402,01 điểm (-2,35%), xuống 16.708,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 479,34 điểm (-2,48%), xuống 18.860,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 188,73 điểm (-6,42%), xuống 2.749,79 điểm.

Phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Á đã cung cấp động năng ban đầu cho vàng tiến bước. Tưởng chừng đà tăng của kim loại quý này sẽ gặp trở ngại khi chứng khoán châu Âu hồi phục và chứng khoán Mỹ tăng mạnh, làm giảm vai trò trú ẩn của vàng, nhưng giá vàng lại nhận được các thông tin hỗ trợ khác.

Lực mua kỹ thuật tiếp tục được duy trì, trong khi đồng USD yếu và giá dầu thô ổn định trở lại chính là các yếu tố giúp giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch Mỹ và lên mức cao nhất 3 tháng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 26/1, giá vàng giao ngay tăng 11,8 USD (+1,07%), lên 1.119,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 14,9 USD (+1,35%), lên 1.120,2 USD/ounce.

Giá dầu thô đã nhanh chóng hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh sâu trước đó nhờ nhiều thông tin hỗ trợ như dữ liệu kinh tế Mỹ và kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn của nước này khả quan vừa được công bố. Đặc biệt là thông tin OPEC và Nga sẽ nói chuyện với nhau về việc cắt giảm sản lượng sản xuất. Nếu điều này xảy ra thật sự, giá dầu thô sẽ bước vào chuỗi tăng mạnh sắp tới, tuy nhiên để 2 bên tìm được tiếng nói chung là không dễ, nhất la OPEC hiện nay cũng đang có sự chia rẽ.

Kết thúc phiên 26/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,11 USD/thùng (+3,53%), lên 31,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,30 USD (+4,09%), lên 31,80 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục