Ed Morse, Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu của Citigroup cho biết: “Bây giờ, chắc chắn có cảm giác như giá dầu đang ở mức đáy, có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó… Hàng tồn kho tăng nhiều trong hai tháng đầu năm và sau đó giảm đi”.
Ông nói thêm rằng, các thị trường hiện đang phải đối mặt với tác động của việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ và thế giới đang bước vào mùa nhu cầu cao hơn. Tháng trước, OPEC+ cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm có hiệu lực vào tháng 5 và sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Việc sản xuất sụt giảm khiến một số nhà phân tích cảnh báo giá có thể tăng lên ba con số, nhưng điều này đã không thành hiện thực.
“Chúng tôi đang có cái nhìn tích cực hơn trong quý hai và quý ba so với những gì đã xảy ra trong quý đầu năm”, ông Ed Morse cho biết.
Ngân hàng ANZ cũng tin rằng sự sụt giảm của giá dầu có thể sớm chạm đáy, với nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày, khiến thị trường luôn thiếu hụt nguồn cung trong suốt năm 2023.
“Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi có thể sẽ bù đắp cho nhu cầu chậm hơn ở những nơi khác… Do đó, chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ sớm chạm đáy”, ngân hàng ANZ cho biết trong một báo cáo ngày 8/5.
Tương tự, Goldman Sachs cũng đã duy trì dự báo về mức giá dầu cao hơn.
“Dự báo của chúng tôi vẫn là dầu Brent tăng lên 95 USD/thùng vào tháng 12 và 100 USD/thùng vào tháng 4/2024 vì chúng tôi dự đoán mức thâm hụt lớn trong nửa đầu năm”, Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo được công bố vào cuối tuần qua.
Giá dầu suy giảm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố kết hợp
Giá dầu Brent đã giảm 8% từ đầu năm tới nay. Giá dầu Brent đã đóng cửa ở mức 72,33 USD/thùng vào ngày 3/5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.Tương tự, giá dầu WTI đã giảm 11% từ đầu năm đến nay.
Sự suy giảm của giá dầu được cho là do sự kết hợp của các mối quan tâm kinh tế.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm hơn có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
“Áp lực từ hành động chống lạm phát do cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện đã dẫn đến tăng trưởng nhu cầu mờ nhạt đối với hầu hết các nước OECD, với nguy cơ suy thoái đang ở phía trước”, Ed Morse, Giám đốc Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu của Citi Group cho biết.
Giá dầu đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ mức hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng 6/2022 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động sản xuất tháng 4 của Trung Quốc cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi nhu cầu hàng hóa của nước này.
“Câu chuyện thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt vào cuối năm nay do nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đang bị thách thức”, ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) cho biết trong báo cáo ngày 8/5.
“Thị trường dầu có thể thắt chặt trong nửa cuối năm 2023 giờ đây sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào OPEC+, đặc biệt là Nga”, Vivek Dhar, nhà phân tích của CBA cho biết.
Trong khi đó, sản xuất dầu của Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến.
Kang Wu, người đứng đầu bộ phận nhu cầu toàn cầu và phân tích châu Á của S&P cho biết: “Sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga vẫn phục hồi mặc dù họ đã thông báo cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày”.
Sự sụt giảm gần đây đang gợi nhớ đến sự biến động giảm trong tháng 3 và “buộc phải đánh giá xem liệu OPEC+ có thực hiện một đợt cắt giảm khác do Ả Rập Xê Út dẫn đầu hay không”, Vishnu Varathan, chiến lược gia của Mizuho cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “sự không chắc chắn lớn” về động thái tiếp theo của OPEC+.
“Trừ khi họ thấy nhu cầu thực sự bị phá hủy do nền kinh tế suy yếu hoặc giá cả tăng cao, họ có thể sẽ giữ cắt giảm sản lượng lâu hơn một chút và sau đó quyết định phải làm gì”, ông Kang Wu cho biết.