Giá cổ phiếu chuyển động mạnh mùa báo cáo bán niên

(ĐTCK) Từ đầu tháng đến nay, số doanh nghiệp công bố lợi nhuận khả quan chiếm đa số, giúp VN-Index có diễn biến tăng, nhưng sự phân hóa giữa các cổ phiếu diễn ra mạnh mẽ.
Dòng tiền hướng đến những cơ hội cụ thể, chứ không lan tỏa rộng.

Lợi nhuận và giá cổ phiếu phân hóa mạnh

Tâm điểm thông tin trong nước của thị trường chứng khoán tháng 7 là mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên. Từ 1 - 11/7, VN-Index tăng gần 30 điểm (+3%), tiến sát ngưỡng 980 điểm, dòng tiền tập trung vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm.

Ngược lại, dòng tiền thoái lui ở những mã có lợi nhuận suy giảm. Trong đó, không ít mã cổ phiếu ở cả hai nhóm đã có diễn biến “đi trước đón đầu” khi thị trường dự báo trước yếu tố lợi nhuận quý II.

Hai phiên vừa qua (11/7 và 15/7), thị trường điều chỉnh, sự phân hóa của thị trường ở mức độ cao, có sự đối lập rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến tăng/giảm giá trong các phiên trước đó.

Phiên 15/7, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có các mã VCB, TCB, MWG, VRE, GAS... tăng giá khá mạnh, nhưng nhiều mã khác gồm VIC, VHM, SAB, MSN, VNM, HPG, BVH… giảm giá. Trong phiên này, số lượng cổ phiếu tăng giá và giảm giá tương đương nhau.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận sự trồi sụt nhiều lần trong phiên 15/7, sau thông tin gây thất vọng về tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc.

Với thị trường Việt Nam, các chỉ số chứng khoán có hầu hết thời gian giao dịch trong sắc đỏ, vài lần cố gắng tăng trở lại nhưng bất thành. Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều, nhưng ở đợt giao dịch xác định giá đóng cửa, thị trường đã cân bằng trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có những thông tin vĩ mô hỗ trợ như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giảm xuống dưới 2%, Bộ Chính trị chuẩn bị thông qua Đề án thu hút FDI trong giai đoạn mới... Đây sẽ là những lực đẩy quan trọng giúp thị trường giữ được trạng thái cân bằng và khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là tăng điểm. Trong quá trình đi, lên các nhịp rung lắc hoặc tăng/giảm đan xen thường xảy ra do VN-Index vừa thoát khỏi vùng tích lũy với phía trước là đỉnh ngắn hạn tháng 5, khu vực gần đó là vùng tâm lý 1.000 - 1.014 điểm.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, các chỉ số đang chịu áp lực giảm điểm, nhưng xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn tích cực.

“Ngay cả khi các chỉ số giảm điểm do một số cổ phiếu vốn hóa lớn chịu sức ép bán ra, nhưng các cổ phiếu đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường vẫn có dấu hiệu đi lên mạnh mẽ như MWG, VCB, FPT... Ngoài ra, dòng tiền vận động luân chuyển sôi động tạo ra sự tương phản giữa nhiều cổ phiếu tăng giá và giảm giá. Nhìn chung, trạng thái của thị trường không có nhiều thay đổi trong các phiên gần đây. Thanh khoản và dòng tiền ở mức vừa phải chưa đủ tạo ra sự bứt phá, nhưng nội tại thị trường phân hóa tích cực”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, VNDIRECT nói và cho rằng, ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội cụ thể hơn là chú tâm vào các chỉ số và nếu đang nắm giữ các cổ phiếu có xu hướng giá tích cực, hãy để lãi chạy khi chúng tiếp tục tăng giá.

Thậm chí, nếu tâm lý lạc quan của bên mua được duy trì, chỉ số VN-Index sẽ dễ dàng tiến tới mốc 1.000 điểm trong tháng 7, trùng với thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II diễn ra. Kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp niêm yết được nhìn nhận là một trong những nhân tố sẽ thu hút dòng tiền mạnh mẽ vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh và có xu hướng tập trung tại nhóm cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm 2019 của các doanh nghiệp công bố thời gian qua cho thấy, nhóm ngân hàng được kỳ vọng duy trì “phong độ” như Ngân hàng Quân đội (MBB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB).

Với Ngân hàng Ngoại thương (VCB), Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, Ngân hàng có thể đạt lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm 2019. Cổ phiếu VCB đã có những phản ứng tích cực sau thông tin Ngân hàng ước đạt lợi nhuận cao kỷ lục trong nửa đầu năm.

Ở nhóm bất động sản, mặc dù năm 2019 đã sớm được dự báo là một năm tăng trưởng chậm lại của ngành, nhưng các doanh nghiệp phân khúc bất động sản khu công nghiệp như Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC)… cho biết, doanh nghiệp sẽ duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II/2019. Trên sàn chứng khoán, không ít cổ phiếu nhóm này ghi nhận mức tăng giá cao, tại ngày 15/7, D2D tăng hơn 80%, NTC tăng 50% so với đầu năm.

Nhóm doanh nghiệp ngành thép được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận. Với những doanh nghiệp sớm báo lỗ 6 tháng đầu năm như VIS, POM…, giá cổ phiếu đều ghi nhận diễn biến giảm, trong đó cổ phiếu VIS giảm hơn 17% trong một tuần (từ 8/7 đến 13/7).

Dù không phải cổ phiếu của doanh nghiệp nào cũng có diễn biến giá tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm, nhưng đây vẫn là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư nhận định về triển vọng tăng trưởng hay thụt lùi của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh chiến lược đầu tư hợp lý hơn.

Triển vọng quý III

Thời điểm đầu tháng 7/2018, chỉ số VN-Index tạo đáy quanh vùng 890 điểm, sau đó hồi phục lên ngưỡng 1.000 điểm. Hồi phục cũng là xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán trong quý III/2018. Diễn biến này liệu có lặp lại trong năm nay?

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, VN-Index đã có lần tạo đáy tại vùng 860 điểm do ảnh hưởng từ các bất ổn vĩ mô trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là kết quả của nhịp điều chỉnh xảy ra từ giữa tháng 12/2018. Sau đó, chỉ số nhanh chóng ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong quý I, đạt 1.015 điểm trước khi bước vào kênh giá giảm kéo dài suốt quý II.

Trong khoảng thời gian này, thị trường đã nhiều lần kiểm tra mức hỗ trợ dài hạn 940 điểm của đường trung bình động 200 ngày (SMA200) và đều bật lên nhờ dòng tiền bắt đáy được kích hoạt. Do đó, theo Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank, mức 940 điểm nhiều khả năng sẽ là đáy của VN-Index trong năm 2019, chứ không phải 860 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, tháng 7 năm ngoái, thị trường tạo đáy và phục phồi sau nhịp giảm khá mạnh, mức P/E bình quân vào khoảng 15 lần. Bên cạnh đó, dòng tiền dồi dào hơn hiện nay và tác động từ bên ngoài chưa rõ nét. Trong khi đó, diễn biến của thị trường năm nay cho thấy, dòng tiền có phần thận trọng và khá nhạy cảm với những thông tin bên ngoài. Tuy vậy, cơ hội để thị trường quay lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm là cao, có thể sớm xuất hiện khi các tín hiệu kỹ thuật ngắn và trung hạn đang ủng hộ xu hướng tăng và vĩ mô trong nước tích cực sẽ là động lực nâng đỡ thị trường.

Ở bình diện thế giới, chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh cao mọi thời đại nên dư địa để chứng khoán Việt Nam quay lại vùng đỉnh cũ là không nhỏ. Hiện tại, giới đầu tư đang dõi theo cuộc họp ngày 30 - 31/7/2019 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ bàn luận xem nền kinh tế Mỹ có cần tới một đợt “hạ lãi suất mang tính phòng ngừa” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có tín hiệu suy giảm, xung đột thương mại vẫn căng thẳng và lạm phát thấp. Nếu kết quả của cuộc họp đáp ứng kỳ vọng của thị trường sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giúp chỉ số chứng khoán Việt Nam có thể lặp lại kịch bản như đã xảy ra ở thời điểm này năm ngoái.

Thị trường đã trải qua thời gian lình xình trong quý II/2019, đủ để thị trường tạo ra một bước tăng mới xuất hiện thông tin hỗ trợ, đặc biệt khi có khá nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh trước đó, củng cố niềm tin là thị trường sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Theo MBS, với thanh khoản như nửa đầu năm nay thì dòng tiền chỉ hướng đến những cơ hội cụ thể, chứ không lan tỏa theo dòng. Xét tỷ trọng phân bổ danh mục thì nhóm ngân hàng mặc dù không được như năm ngoái, nhưng vẫn có những mã còn dư địa tăng trưởng. Tiếp theo là các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như dệt may, thủy sản, logistics…. Bên cạnh đó là nhóm Vingroup, các cổ phiếu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện, dịch vụ, bất động sản khu công nghiệp…

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục