Phiên sáng 16/7: Nhóm ngân hàng nổi sóng, VN-Index lấy lại đà tăng

(ĐTCK) Đón nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức kỷ lục, Vietcombank đã tiếp sức cho các cổ phiếu cùng ngành ngân hàng khởi sắc, qua đó, giúp thị trường nhanh chóng trở lại ngưỡng điểm 980 trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, tại ngưỡng cản này, áp lực chốt lời gia tăng, đẩy VN-Index thoái lui trở lại.
Phiên sáng 16/7: Nhóm ngân hàng nổi sóng, VN-Index lấy lại đà tăng

Trong phiên hôm qua, áp lực bán từ sớm từ nhóm cổ phiếu lớn đã khiến VN-Index nhanh chóng đánh mất ngưỡng 975 điểm.

Lực cầu gia tăng sau giờ nghỉ trưa giúp VN-Index hồi trở lại gần tham chiếu tại ngưỡng 975 điểm, nhưng thêm một lần, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số thoái lui và chỉ nhận được lực cầu bắt đáy yếu về cuối phiên.

Theo PHS thì một vài tín hiệu tích cực như thân nến giảm phiên 15/7 nhỏ hơn thân nến giảm trước đó, cùng với khối lượng sụt giảm cho thấy áp lực bán giảm dần. Bên cạnh đó, nến có bóng nhỏ phía dưới cho thấy khả năng bên mua đang tham gia dần.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 16/7, dòng tiền khá tự tin nhập cuộc ngay khi mở cửa đã đưa VN-Index tăng khá tốt lên gần ngưỡng 978 điểm và duy trì quanh mức này với sự trợ giúp đắc lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn, mà đầu tàu là VCB.

Theo đó, VCB sớm vọt hơn 2% do nhận hiệu ứng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức kỷ lục với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận hợp nhất 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% và hoàn thành 55% kế hoạch năm.

3 ông lớn ngân hàng khác nhận được trợ lực từ VCB là CTG, TCB  đặc biệt là BID, tăng hơn 2,5% đang là động lực đi lên chính của thị trường.

Các mã khác trong ngành như MBB, STB, VPB cũng cho thấy sự tích cực, khi đồng loạt chiếm giữ sắc xanh, và cùng các cổ phiếu lớn trên đang có thanh khoản thuộc những mã cao nhất HOSE.

Các mã khác trên bảng điện tử gây chú ý là HSG, AMD và GAB. Theo đó, HSG sau khi ước kết quả kinh doanh quý III năm tài chính 2018-2019 (từ 1/4/2019 đến 30/06/2019) với lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, cao hơn 90% so với cùng kỳ đã thu hút nhà đầu tư và sau hơn 1 giờ giao dịch khớp lệnh dẫn đầu sàn.

AMD chính thức được phép giao dịch ký quỹ trở lại trong quý III cũng đã tăng mạnh, có thời điểm chạm mức giá trần đi kèm thanh khoản gia tăng.

GAB đã gặp áp lực chốt lời, và giảm sàn ngay khi mở cửa xuống 15.300 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần nửa triệu đơn vị và đang trong tình trạng dư bán sàn.

Sau khi chinh phục được ngưỡng 980 điểm, thậm chỉ còn vươn lên cao hơn, nhưng chính nhóm cổ phiếu nâng đỡ là ngân hàng đã gặp chút rung lắc và đà tăng bị thu hẹp đôi chút đã khiến chỉ số đánh mất ngưỡng điểm trên khi nghỉ giờ trưa, mặc dù vậy, với thanh khoản gia tăng là tín hiệu tích cực cho thị trường.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 126 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng 5,45 điểm (+0,56%), lên 977,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 90,68 triệu đơn vị, giá trị 2.038 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,5 triệu đơn vị, giá trị 283,2 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, nhóm ngân hàng mặc dù bị hãm đà tăng, nhưng vẫn là động lực chính của thị trường với đầu tàu là 2 ông lớn VCB và BID.

Theo đó, VCB +2,1% lên 76.600 đồng; BID +2,9% lên 34.250 đồng. Tiếp theo là TPB +1,5% lên 23.400 đồng; MBB +1,2% lên 21.700 đồng, trong khi CTG và TCB chỉ còn nhích nhẹ +0,2%.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn cũng hỗ trợ tốt, đáng kể là nhóm cổ phiếu họ Vingroup với VIC +0,5% lên 114.800 đồng; VHM +2,1% lên 83.700 đồng; VRE +1,1% lên 36.650 đồng.

Cùng sắc xanh tại nhiều mã như VNM, SAB, MSN, VJC, HPG, MWG, FPT…, nhưng chỉ là sắc xanh nhạt, khi không mã nào tăng đến 1%.

Ngược lại, giảm điểm sâu có HVN, khi mất 3,5% xuống 42.200 đồng; ROS -3,4% xuống 27.050 đồng, cùng một vài mã khác còn giảm là DHG, CTD, REE, SBT, CII.

Khớp lệnh các mã trên cao nhất vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng ROS và HPG. Theo đó, MBB có hơn 3,05 triệu đơn vị; ROS có 2,45 triệu đơn vị; STB có 2,4 triệu đơn vị; CTG có 2,15 triệu đơn vị.

Nhóm HPG, TCB, VRE, VCB có từ 1,1 triệu đến 1,77 triệu đơn vị, trong đó, VCB được khối ngoại mua ròng hơn 650.000 đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường nổi bật vẫn là HSG, khi khối lượng khớp lệnh dẫn đầu HOSE với hơn 3,68 triệu đơn vị, tăng 2,5% lên 7.670 đồng/cổ phiếu; AMD +4% lên 1.830 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trái lại, GAB vẫn nằm ở mức giá sàn 15.300 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư bán sàn. Cổ phiếu liên quan là FLC chìm trong sắc đỏ, mất 0,9% xuống 4.290 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

PPC giảm mạnh hơn 5% xuống 29.650 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; SRC -3,4% xuống 19.600 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng khá từ sớm, nhưng áp lực bán gia tăng sau đó đã đẩy chỉ số thoái lui, nhưng kết phiên vẫn có sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu lớn vững vàng.

Theo đó, ACB +0,7% lên 30.200 đồng; VCS +3,1% lên 76.600 đồng; VCG +0,4% lên 26.300 đồng; PVI +0,5% lên 23.800 đồng; SHB +1,5% lên 6.800 đồng; CEO +0,9% lên 10.700 đồng; NDN +0,6% lên 16.800 đồng; SHS +1% lên 9.700 đồng.

Đáng tiếc là một số mã giảm đã tạo gánh nặng cho chỉ số như NVB -1,2% xuống 8.000 đồng; HHC -10% xuống 117.500 đồng; TNG -0,5% xuống 21.400 đồng; HHP -6,5% xuống 12.900 đồng.

Khớp lệnh tốt nhất HNX là PVS với hơn 1,09 triệu đơn vị, nhưng PVS chỉ đứng tham chiếu; HHP có 0,72 triệu đơn vị; CEO, ACB, SHB, NDN có từ 0,47 triệu đến 0,68 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,19%), lên 105,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hươn 10,5 triệu đơn vị, giá trị 168,05 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,75 triệu đơn vị, giá trị 28,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự 2 sàn chính, với chỉ số UpCoM-Index tăng khá từ khi mở cửa, tạo đỉnh cao nhất phiên và giảm nhẹ đôi chút sau đó và đi ngang cho đến hết phiên.

Thị trường chỉ còn vài mã đáng kể giảm như BSR, LPB, NTC cùng một vài mã nhỏ khác, còn lại đều tăng như GVR, VIB, VGI, CTR, VEA, MFS, MPC, MIG…

Trong đó, giao dịch lớn nhất là GVR với hơn 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 3% lên 13.800 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,25%), lên 57,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,36 triệu đơn vị, giá trị 136,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có gần 50.000 đơn vị, giá trị hơn 1,66 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục