Kẻ khóc…
Theo cập nhật mới nhất của Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong tuần từ ngày 20 - 24/7, giá cao su thiên nhiên thế giới đều giảm so với cuối tuần trước. Kết thúc tuần, ngày 24/7, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM (Nhật Bản), hợp đồng giao tháng 12/2015 là 1.681 USD/tấn, giảm 2,9% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 8/2015 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.424 USD/tấn (-2,9%); giá cao su SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) chào bán ở mức 1.425 USD/tấn (-1,5%)…
Mặt bằng giá cao su trên thế giới giảm và hiện ở mức thấp so với nhiều năm gần đây, đang tác động bất lợi đến hoạt động của các DN ngành cao su thiên nhiên như: CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC)…
Theo DPR, 6 tháng đầu năm nay, Công ty tiêu thụ mủ cao su với giá bình quân chỉ đạt 33,7 triệu đồng/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 43,6 triệu đồng/tấn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến 6 tháng đầu năm nay, DPR chỉ đạt 195,8 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn đáng kể so với 314,7 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của DPR trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 44,5 tỷ đồng, giảm tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động của PHR cũng không khả qua hơn khi 6 tháng đầu năm nay, Công ty tiêu thụ mủ cao su với giá bình quân 33,4 triệu đồng/tấn, thấp hơn tới 26,76% so với cùng kỳ năm ngoái, nên doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt: 334 tỷ đồng và 62,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với các chỉ tiêu đạt được trong cùng kỳ năm ngoái: 691,5 tỷ đồng doanh thu và 103,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế…
Đặc biệt, TRC chỉ đạt 19,5 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay, giảm rất mạnh so với 79,7 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, trong khi đây là thị trường tiêu thụ lớn mủ cao su trên toàn cầu, nên một số dự báo cho rằng, giá cao su khó phục hồi ít nhất trong 6 tháng cuối năm nay, nếu không muốn nói là có nguy cơ giảm thêm. Nếu mặt bằng giá cao su thế giới đi theo xu hướng giảm kéo dài, các DN ngành cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa dễ sớm cải thiện bức tranh lợi nhuận thấp.
Người cười
Trong khi các DN ngành cao su thiên nhiên “méo mặt” vì giá tiêu thụ mủ cao su giảm khá mạnh, thì ở trạng thái ngược lại, các DN ngành săm lốp như: CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM), CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) đang được hưởng lợi, do cao su nguyên liệu chiếm hơn 50% chi phí cơ cấu nguyên liệu đầu vào.
DRC đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi lần lượt đạt: 1.771 tỷ đồng và 202,6 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CSM tăng tương ứng 60,1% và 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, CSM đạt 1.255,6 tỷ đồng doanh thu; 105,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2015.
Một nguyên nhân quan trọng giúp CSM đạt kết quả kinh doanh khả quan là do đã ghi nhận doanh thu từ sản phẩm lốp radial… Việc sản xuất sản phẩm này được hưởng lợi từ giá mủ cao su nguyên liệu thấp.
Một DN khác trong ngành săm lốp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực là SRC. Quý II/2015, SRC đạt 273,8 tỷ đồng doanh thu, gần 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (riêng lợi nhuận tăng 42,46%).
Lợi nhuận tăng mạnh, theo SRC, là do doanh thu bán hàng tăng hơn 4 tỷ đồng, trong khi giá vốn bán hàng giảm hơn 7 tỷ đồng so với quý II/2014 làm cho lợi nhuận tăng 11 tỷ đồng…
6 tháng cuối năm, nếu giá mủ cao su tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, sẽ là một trong những nhân tố quan trọng giúp các DN ngành săm lốp gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, thách thức với nhóm DN này là hiện thị trường săm lốp đang bão hòa, cạnh tranh gay gắt, nên cơ hội bứt phá lợi nhuận không chia đều cho tất cả các DN, mà ưu thế thuộc về các DN có thị phần cao, đa dạng sản phẩm; giá thành sản xuất thấp, giá bán cạnh tranh…