Giá cá tra xuất khẩu cao hơn mức đỉnh 2019, doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch nâng công suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long lập đỉnh vào cuối quý 1/2022, giá trung bình xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang hầu hết các thị trường cũng tăng mạnh.
Giá cá tra xuất khẩu cao hơn mức đỉnh 2019, doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch nâng công suất

Tiếp tục xu hướng tích cực

Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu.

Giá cá nguyên liệu tăng vọt

Giá cá nguyên liệu tăng vọt

Vasep dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý 2/2022. Hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. Giá cá tra phile đông lạnh XK trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, đạt 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg).

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng thủy sản đứng đầu về mức độ tăng trưởng xuất khẩu, chiếm 2,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đứng thứ hai chiếm 1,3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Các nhóm xuất khẩu 4 tháng đầu năm

Các nhóm xuất khẩu 4 tháng đầu năm

Diễn biến trên các thị trường quốc tế tiếp tục ủng hộ ngành cá tra. Theo đó, chiến sự tại Ukraine vẫn phức tạp đã khiến cá minh thái (Nga), đối thủ chính của cá tra khó bán ra trên thị trường thế giới. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục mua hàng rất cao. Từ giữa tháng 3, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa các thành phố theo chiến lược zero Covid, nhưng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng. Lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết, Trung Quốc sắp hết hàng tồn kho nên sẽ sớm chấp nhận nhập khẩu với lượng và giá bán cao hơn hiện tại.

Trong báo cáo mới phát hành, CTCK BSC cho rằng, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại và khi đó mức tiêu thụ cá tra của nước này ngang với Mỹ. Đây sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm nay.

Doanh nghiệp chớp thời cơ

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết, Công ty đã ký các đơn hàng tới quý 3, một số đơn hàng ký nguyên năm. Trao đổi bên lề ĐHCĐ 2022, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch VHC chia sẻ, Công ty thương thảo với nhà nhập khẩu là nếu không mua bây giờ thì các nhà máy chế biến cũng sẽ tích trữ bỏ kho. Hiện thế giới không dự trữ nhiều cá do dịch bệnh COVID-19. Điều này dễ dàng đẩy giá cá tra tăng cao nữa khi nhu cầu đã và đang hồi phục trở lại.

Với Công ty cổ phần Đầu tư đa quốc gia IDI (IDI), với việc 2 nhà máy chế biến thủy sản đã hoạt động hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, HĐQT IDI đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch IDI cho biết, nhà máy mới sẽ được khởi công trong quý 2 năm nay, thời gian xây dựng gần 6 tháng là có thể đưa vào hoạt động. Phần phức tạp nhất là kho lạnh đi kèm với nhà máy chế biến cá thì IDI đã đầu tư kho lạnh số 3 từ trước, nên nhà máy mới sẽ được xây dựng trong thời gian rất nhanh trên phần đất có sẵn của doanh nghiệp.

Nhà máy số 3 của IDI được thiết kế đặc biệt “lên lầu” chứ không trải dài trên một mặt bằng như các nhà máy truyền thống. Cách bố trí như vậy cho phép nhà máy sử dụng phương pháp vận chuyển đứng, cá nguyên liệu được các giàn cân tự nâng đẩy lên tầng trên xử lý chế biến, thành phẩm được hạ xuống tầng dưới đóng gói và chuyển bảo quản, tiết kiệm được đáng kể chi phí và nhân công vận chuyển.

Quan trọng hơn, thiết kế của nhà máy mới cho phép Công ty tận thu được huyết cá, vốn bị bỏ đi lâu nay một cách lãng phí, Theo tính toán của doanh nghiệp, công suất 500 tấn cá nguyên liệu một ngày có thể đem lại 10 tấn huyết cá, chứa 100% đạm. Đây là nguyên liệu mà các nhà máy chế biến nước mắm chực chờ thu mua với nhu cầu rất lớn. Hiện chưa có nhà máy chế biến cá tra nào tại Việt Nam thực hiện được công đoạn này.

Như vậy, sau khi nhà máy số 3 đi vào hoạt động, công suất chế biến cá tra của IDI sẽ đạt khoảng 950 tấn/ngày, cao hơn gấp đôi so với công suất nhà máy số 1 và 2 hiện nay. Kế hoạch này được kỳ vọng đem lại vị thế lớn và gia tăng lợi nhuận cho IDI trong tương lai.

Nhìn nhận về triển vọng ngành cá tra, bà Khanh nhận định: "Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời".

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục