Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị GELEX cho biết, với chiến lược kinh doanh mới, GELEX kỳ vọng có thể tăng từ 2 - 3 lần quy mô lợi nhuận trong 5 năm tới.
Thưa ông, GEX từng là cổ phiếu bán không có nhiều người mua trong giai đoạn cổ phần hóa lần đầu, còn bây giờ, trên UPCoM, đây lại là cổ phiếu có thanh khoản thậm chí cao hơn đa số các mã niêm yết. Theo ông, đâu là lý do của sự thay đổi này?
Tôi cho rằng, mỗi nhà đầu tư có thể có lý do riêng cho sự lựa chọn của mình, nhưng với GELEX, tôi tin có nhiều lý do cho sự lựa chọn đó.
Trước hết là nhìn vào hoạt động của GELEX. Là tổng công ty thiết bị điện, hoạt động trong lĩnh vực đã và đang tăng trưởng rất tốt tại Việt Nam, nên cơ hội với GELEX trong lĩnh vực này là lớn. Trong khi đó, thông qua các công ty con, đơn vị thành viên, GELEX lại đang sở hữu rất nhiều thương hiệu hàng đầu trong các mảng khác nhau thuộc lĩnh vực này như: CADIVI, THIBIDI, HEM, EMIC… Đây là những lý do giúp nhà đầu tư có sự tin tưởng vào Tổng công ty. Trong lĩnh vực chứng khoán, tôi cho rằng, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng.
Thêm vào đó, tôi cho rằng, việc đưa cổ phiếu lên UPCoM cũng chính là yếu tố đặc biệt quan trọng. Trước kia, thị trường có thể biết đến Tổng công ty Thiết bị điện GELEX, nhưng GELEX hoạt động như thế nào, tình hình tài chính ra sao, muốn mua cổ phiếu thì mua của ai, hoặc thậm chí mua rồi, muốn bán đi như thế nào… thì rất ít nhà đầu tư có thể biết. Khi đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc tăng tính minh bạch công bố thông tin giúp tất cả các nhà đầu tư có thể biết được chính xác thông tin về GELEX, từ đặc điểm hoạt động, tài sản, tình hình tài chính đến các yếu tố về nhân sự, định hướng chiến lược kinh doanh… Đây là cơ sở quan trọng để thị trường ra quyết định mua bán cổ phiếu.
GELEX cũng không chỉ sở hữu nền tảng kinh doanh tốt, mà còn đồng thời là doanh nghiệp có tình hình tài chính rất lành mạnh. Tổng quy mô tài sản, nguồn vốn lớn, sở hữu ngành nghề kinh doanh có tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng vay nợ rất thấp, với số dư tiền, tương đương tiền cao, chia cổ tức hàng năm tỷ lệ từ 10% vốn điều lệ trở lên. Chúng tôi cũng tự hào là những người có tư duy thị trường ngay từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 5 năm sau cổ phần hóa, 2010 - 2015, GELEX đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ trong quản lý hoạt động, từ đó tạo động tăng trưởng, giúp hiệu quả kinh doanh tăng nhanh.
Và tôi tin rằng, sau phiên giao dịch thoái vốn nhà nước với khối lượng khớp lệnh rất “khủng” hồi cuối năm 2015, nhà đầu tư cũng đã có thêm cơ hội nhìn nhận, đánh giá về cổ phiếu GELEX, tự tin hơn trong giao dịch.
Ông Nguyễn Hoa Cương
Cuối năm 2015, Bộ Công thương đã hoàn tất thoái vốn tại GELEX và vừa qua, GELEX cũng đã hoàn tất việc bầu lại Hội đồng quản trị. Việc thay đổi sở hữu này có ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động của Tổng công ty trong thời gian tới không, thưa ông?
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra đầu tháng 3, GELEX đã hoàn tất việc bầu mới Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016 - 2020. Ban lãnh đạo mới thì không có nhiều thay đổi, nhưng chiến lược phát triển GELEX thì có.
Hiện nay, cổ đông nhà nước không còn sở hữu tại GELEX, mà thay vào đó là các cổ đông đại chúng, với kỳ vọng của mỗi nhóm cổ đông là khác nhau, với cơ chế ra quyết định trong việc đầu tư cũng khác so với giai đoạn trước. Nếu trước kia, chúng tôi không chỉ phải ra quyết định dựa trên hiệu quả, mà còn phải tính đến các yếu tố khác, ví dụ định hướng đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau do liên quan đến yếu tố vốn nhà nước, thì nay, yếu tố hiệu quả được đẩy lên hàng đầu.
Hiện tại, tên của Tổng công ty là Thiết bị điện, nhưng sắp tới, thiết bị điện sẽ chỉ là một trong các mảng hoạt động. Chúng tôi đang xây dựng đề án tái cấu trúc, trong đó, ngoài mảng chính hiện nay là thiết bị điện, GELEX sẽ có thêm một số ngành nghề mới là logistics, bất động sản, năng lượng điện; mảng bất động sản bao gồm kế thừa các dự án hiện tại và phát triển các dự án mới. Việc mở rộng các mảng hoạt động này chủ yếu dựa vào M&A các dự án, doanh nghiệp có chất lượng, giá thành hợp lý..., phù hợp với tiêu chí và định hướng kinh doanh của Tổng công ty.
Với định hướng này, GELEX sẽ chuyển mô hình hoạt động theo hình thức tập đoàn, trong đó công ty mẹ chỉ làm nhiệm vụ quản lý vốn, dưới là các công ty con, tổng công ty con… phụ trách các ngành nghề kinh doanh mới.
Năng lượng điện, bất động sản và logistics đều là những mảng đòi hỏi nhu cầu nguồn vốn lớn. Ông có thể cho biết kế hoạch tăng vốn của Tổng công ty trong thời gian tới?
Đúng là để đáp ứng được nguồn lực tài chính cho kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng này, chúng tôi cần có phương án phát hành để tăng năng lực vốn chủ sở hữu. Vừa qua, GELEX đã có công bố thông tin về việc chốt danh sách tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, ngày chốt danh sách là 29/6/2016, thời gian họp dự kiến là cuối tháng 7. Hiện tại, Hội đồng quản trị vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án chi tiết cho việc tăng vốn này, nhưng chúng tôi dự kiến sẽ đa dạng hóa hình thức huy động vốn, bao gồm cả huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu và tăng vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi…, nhằm bổ sung vốn cho các ngành nghề kinh doanh mới.
Với chiến lược kinh doanh này, ông dự báo như thế nào về triển vọng kinh doanh của GELEX trong 5 năm tới?
Vẫn còn khá sớm để đưa ra dự báo chi tiết về triển vọng kinh doanh của GELEX, do Tổng công ty chưa thực hiện phát hành tăng vốn để triển khai. Nhưng trong giả định các yếu tố được thực hiện như kế hoạch, quy mô lợi nhuận của GELEX trong 5 năm tới có thể gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.
Như tôi đã nói ở trên, sự thay đổi trong cơ cấu sở hữu đã tạo ra thay đổi rõ nét trong cơ chế ra quyết định, từ đó làm tăng tính chủ động cho Ban lãnh đạo, điều hành. Đây là lý do giúp chúng tôi tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng lớn cho giai đoạn 5 năm tới này.
Nhưng kết quả kinh doanh quý I/2016 của Tổng công ty có lợi nhuận giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Điều này do đâu và liệu GELEX có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016 mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua?
Chắc chắn GELEX sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm mà Đại hội đồng cổ đông đã giao. Việc lợi nhuận quý I/2016 giảm so với cùng kỳ năm trước không phải là chỉ báo xấu, bởi quý I/2015 có yếu tố đột biến, lợi nhuận 1 quý đã chiếm đến hơn 30% lợi nhuận của cả năm. Thêm vào đó, để đảm bảo an toàn theo quy định, quý I/2016 GELEX có phát sinh khoản trích lập dự phòng của công ty con, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm nhẹ.