Trước đó, năm 2013 được xem là năm bùng nổ số lượng siêu thị điện máy của Trần Anh, với việc mở thêm 7 siêu thị (và đóng cửa 1 siêu thị). Như vậy, tính đến hết năm 2013, số lượng siêu thị của Trần Anh đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Việc phát triển mạnh số lượng siêu thị ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái vừa qua đã thể hiện tham vọng khá rõ ràng của Trần Anh trong việc chiếm lĩnh thị phần của lĩnh vực bán lẻ điện máy.
Tuy nhiên, trong năm 2014, chiến lược “phủ sóng” của Trần Anh đã có phần khác biệt so với năm trước, khi tất cả 7 siêu thị mở mới của Trần Anh trong năm 2013 đều trên địa bàn Hà Nội, thì mục tiêu của Trần Anh trong năm nay là các siêu thị mở mới sẽ vươn ra một số địa phương khác.
Ngoài việc mở rộng hệ thống siêu thị, Trần Anh cũng đang có xu hướng cơ cấu lại quy mô của từng siêu thị. Trước đây, 1 siêu thị của Trần Anh có diện tích lên tới 3.000 đến 5.000 m2, cần đến 145 nhân viên, song hiện tại, một siêu thị của Trần Anh chỉ có diện tích trung bình khoảng 1.500 - 2.000 m2, với khoảng 90 nhân viên, tức là quy mô có phần gọn nhẹ hơn nhiều.
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT Trần Anh, năm 2013 là năm khó khăn chung của toàn thị trường và tình hình có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong 2 năm 2014 - 2015. “Dự báo, bắt đầu từ năm 2016, tình hình thị trường sẽ thuận lợi và ổn định hơn”, ông Kiên nhận xét.
Chiến lược mở rộng mạng lưới “phủ sóng” của Trần Anh đúng trong thời kỳ kinh tế khó khăn đương nhiên phải đổi lại bằng sự sụt giảm hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn. Cụ thể, nếu như năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Trần Anh đạt hơn 31,4 tỷ đồng, thì năm 2013, con số này của Trần Anh chỉ còn vẻn vẹn hơn 1,3 tỷ đồng, bằng 4,14% năm trước. Để tạo nguồn lực cho cuộc “trường chinh”, chiếm lĩnh thị trường điện máy, vào giữa năm 2013, Trần Anh đã “bắt tay” với một đại gia bán lẻ điện máy Nhật Bản là Tập đoàn Nojima.
Nojima hiện sở hữu chuỗi 177 siêu thị tại Tokyo, Yokohama và nhiều thành phố khác tại Nhật Bản. Doanh thu năm 2012 của Nojima đạt khoảng 2 tỷ USD. Trong vòng 20 năm qua, Tập đoàn này đã có mức tăng trưởng gấp 10 lần, song thị trường Nhật Bản không còn dư địa để Nojima tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như trước. Chính vì thế, Nojima đang kỳ vọng về dư địa tăng trưởng tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Cuối tháng 10/2013, Nojima đã cử người sang làm việc lâu dài cùng Trần Anh để hoàn thiện các kế hoạch đã được 2 bên thống nhất. Tháng 12/2013, Nojima cũng đã tiếp tục đầu tư thêm vốn vào Trần Anh, bằng việc mua 652.580 cổ phiếu của Trần Anh, nâng tỷ lệ sở hữu của Nojima tại Trần Anh lên 11,17%. Cuối tháng 2/2014, Đại hội đồng cổ đông Trần Anh cũng đã bầu ông Kanetaka Hideki, đại diện của Nojima vào Hội đồng quản trị. Ông Kanetaka Hideki hiện đang làm Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh kiêm Trưởng phòng Dự án nước ngoài của Nojima.
Diễn biến cổ phiếu TAG của Trần Anh trong thời gian qua đã có những biến động khác nhau qua từng giai đoạn. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2013, TAG đã từng tăng khá mạnh, từ mức hơn 24.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3, thì đã đạt trên 50.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 8/2013. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, cổ phiếu TAG lại rớt giá khá mạnh, khi chỉ trong vòng 1 tháng (từ cuối tháng 12/2013 đến cuối tháng 1/2014), cổ phiếu này đã rơi từ mốc 50.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 30.000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục giao dịch cầm chừng ở mức giá này trong suốt 1 tháng qua.
Theo đánh giá của một số nhà quan sát thị trường, việc sụt giảm lợi nhuận mạnh của Trần Anh (từ mức 31,4 tỷ đồng năm 2012 xuống chỉ còn 1,3 tỷ đồng năm 2013) là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư có phần ái ngại với cổ phiếu TAG. Cho dù sự sụt giảm này có lý do hợp lý do hiện tại đang là giai đoạn Trần Anh đẩy mạnh đầu tư, nên vẫn phải cần có thời gian để các khoản đầu tư đi vào giai đoạn “hái quả”, nhưng với nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, lợi nhuận hiện hữu trong ngắn hạn vẫn là yếu tố quan trọng trước mỗi quyết định đầu tư nắm giữ cổ phiếu.