Thị trường bán lẻ điện máy: Bao giờ hết “tàn sát” lẫn nhau?

Mạnh về tài chính và mối quan hệ với các đối tác lớn trên thế giới, các tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam, khi thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn vào năm 2015 theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thị trường bán lẻ điện máy: Bao giờ hết “tàn sát” lẫn nhau?

Muôn nẻo lấn sân

Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2011, nhưng mãi đến tháng 1/2014, nhà bán lẻ Aeon (Nhật Bản) mới có trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP.HCM. Theo ông Motoya Akada, Chủ tịch Tập đoàn Aeon, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là Tập đoàn chưa đánh giá được hết tiềm năng ở thị trường Việt Nam và đây cũng là thời điểm mà Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ tốt. Trung tâm mua sắm đầu tiên này được Aeon coi là quân cờ đánh dấu sự gia tăng thị phần mạnh mẽ ở châu Á của mình.

Aeon được biết đến là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Nhật Bản hoạt động theo mô hình trung tâm mua sắm (shopping mall), trong đó mảng điện máy luôn có tốc độ tăng trưởng mạnh và có đóng góp lớn vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Thị trường Việt Nam luôn có sức hút lớn với Aeon, nếu không có ý định mua lại doanh nghiệp nội địa, thì Tập đoàn cũng sẽ tìm mọi cách biến Việt Nam thành miếng bánh sinh lời bằng cách tự đầu tư bằng nguồn vốn của mình.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy cho rằng, sự xuất hiện của Aeon tại Việt Nam sẽ là một trong những mối đe dọa đến vận mệnh của họ. Nhưng không chỉ Aeon, hiện có rất nhiều hãng điện tử hàng đầu Nhật Bản như Yamada Denki, Big Camera đang tìm đến thị trường Việt Nam.

Hai hãng điện tử trên đã nhiều lần liên hệ với Công ty Thương mại dịch vụ Thiên Hòa (sở hữu hệ thống Trung tâm Điện máy - Nội thất Thiên Hòa tại TP.HCM) để đặt vấn đề muốn trở thành cổ đông, nhưng chưa nhận được cái gật đầu vì Thiên Hòa chưa có nhu cầu bán.

“Quyết định bán cổ phần chỉ diễn ra khi chúng tôi vướng vào 3 vấn đề: cần thêm nguồn vốn, cần kinh nghiệm về quản trị và cần hỗ trợ của các chuyên gia về mọi mặt. Hiện chúng tôi thấy mình đủ mạnh trong cả 3 yếu tố này thì chưa cần phải bán”, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Hệ thống điện máy Thiên Hòa lý giải.

Nhưng điều đó không làm giảm đi mong muốn lấn sân sang thị trường Việt Nam của Denki, Big Camera. “Nếu khảo sát thấy thị trường thật sự lớn trong thời gian tới, thì họ sẽ đầu tư trực tiếp giống như AEON, thay vì đàm phán mua lại cổ phần từ doanh nghiệp trong nước”, ông Hậu nói. 

Được biết, cách đây gần 2 năm, Yamada Denki đã đặt vấn đề mua 30% cổ phần của Nguyễn Kim, nhưng đến giờ, ông chủ Nguyễn Kim vẫn không bán và tiếp tục phát triển vươn lên đến vị trí số 1 trong bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Nguyễn Kim rất tự tin với tiềm lực của mình. Tuy nhiên, khi hệ thống phát triển mạnh khắp cả nước, lên tới 50 - 100 trung tâm, thì có thể là cách quản trị của Việt Nam không phù hợp và bắt buộc doanh nghiệp phải học hỏi bằng cách chia sẻ cổ phần cho đối tác ngoại.

Giấc mộng chung

Chắc hẳn, giới đầu tư chưa quên rằng, trên con đường đi tìm đầu mối để bắt tay bành trướng thị trường của các hãng điện máy Nhật Bản tại Việt Nam, có Tập đoàn Nojima. Ra đời năm 1959, Nojima đã tăng trưởng gấp 10 lần trong vòng 20 năm trở lại đây và đang sở hữu chuỗi siêu thị điện máy, với 177 siêu thị tại Tokyo, Yokohama và nhiều thành phố tại Nhật Bản, doanh thu trung bình mỗi năm trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng chậm lại thì thị trường sẽ không còn dư địa để Nojima tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới và buộc tìm đến thị trường Việt Nam. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, tháng 7/2013, Nojima đã sở hữu được 10% cổ phần của  Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, sau khi bỏ ra 64 tỷ đồng. “Trần Anh là công ty bán lẻ điện máy - máy tính - mobile có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược chung của Nojima”, ông Hiroshi Nojima, Chủ tịch Tập đoàn Nojima cho biết.

Đối với Trần Anh, đây thực sự là cơ hội để cất cánh. “Năm 2010, khi cần vốn để mở rộng, chúng tôi đã kêu gọi Công ty Quản lý Quỹ Aureos (Aureos Capital) đầu tư 4,2 triệu USD và đến nay có thêm Tập đoàn Nojima là đủ, một bên hỗ trợ về tài chính, một bên hỗ trợ về quản trị”, ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Trần Anh cho biết.

Hiện Nojima và Trần Anh đều rất tự tin về sự cộng hưởng dành cho nhau. Nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, Nojima dù đã có khảo sát, nhưng vẫn chưa hiểu xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam, nên có nhiều thứ làm cho Trần Anh rất mệt mỏi, thể hiện qua con số lỗ mà Trần Anh công bố thời gian vừa qua.

Song ông Kiên cho hay, hai bên ký kết hợp tác vào tháng 7/2013, nhưng mãi đến tháng 12/2013 mới xong mọi thủ tục, phía Nojima mới cử người sang để làm. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh mới hơn 1 tháng chưa phản ánh được gì. Hơn nữa, Nojima không gây áp lực về doanh thu, lợi nhuận, vì họ không phải quỹ đầu tư. Hiện hai bên đang lên kế hoạch triển khai nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chưa thể áp dụng tại Việt Nam, nên họ vẫn cần thời gian nghiên cứu văn hóa tiêu dùng, cách trưng bày hàng hóa, đào tạo nhân viên, cách thức quản trị vận hành…

 Ăn thua do cách làm

Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp điện máy, hiện tổng doanh thu toàn thị trường bán lẻ điện máy, điện thoại Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD/năm, trong đó dẫn đầu là Nguyễn Kim mới đạt trên 400 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 8% thị phần. Theo Nguyễn Kim, chỉ khi nào những tên tuổi nằm trong top 3 nắm 30-40% thị phần/tổng thị trường, thì lúc đó coi như miếng bánh đã định hình xong và các doanh nghiệp còn lại sẽ khó có đất sống. Hiện miếng bánh vẫn còn và cơ hội vẫn chia đều cho các tên tuổi còn lại như Pico, Thiên Hòa, Chợ Lớn, MediaMart, TopCare, Việt Long, Trần Anh… để họ tiếp tục tranh đấu.

Do đó, mục tiêu duy nhất của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy hiện nay là nhanh chóng bành trướng quy mô bằng việc mở rộng địa điểm. Việc chiếm lĩnh thị phần tùy thuộc vào chiến lược riêng của các đơn vị bán lẻ, song ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc MediaMart cho rằng, cần duy trì được sự tăng trưởng ổn định, bền vững của toàn thị trường bằng sự lớn mạnh của các thành viên. Việc thiết lập tổ chức, hiệp hội là cần thiết, đây có thể coi là diễn đàn bảo vệ lợi ích và quyền lợi của chính các thành viên trước sự cạnh tranh nội địa và quốc tế sắp tới.

Đồng quan điểm, ông Trần Tấn Hoàng Hậu (Điện máy Thiên Hòa) cho rằng, sự cạnh tranh là do các doanh nghiệp mang lại, nhưng mục đích cuối cùng của sự cạnh tranh này vẫn là buộc người tiêu dùng phải móc túi ra mua sắm, chứ không phải doanh nghiệp cạnh tranh để tàn sát lẫn nhau như nhiều người lầm tưởng.

Nhiều doanh nghiệp đang nhìn về năm 2015 khi thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn, thị trường không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam, mà sẽ là cuộc chiến với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó đối thủ khó đỡ nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản. “Trong lĩnh vực này, Nhật Bản là số một, họ mạnh không chỉ về tiềm lực tài chính, mà bởi mối quan hệ với các đối tác lớn. Nếu họ tìm mọi cách vào Việt Nam thì, doanh nghiệp trong nước sẽ khó địch nổi”, ông Hậu cho hay.

Song ông Hậu cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt nên kết hợp với doanh nghiệp Nhật Bản để họ chia sẻ kinh nghiệm. “Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, có đầu ra, nhưng lại không có tiềm lực về quản trị, thì có thể bán cổ phần, đón nhận người nước ngoài có kinh nghiệm quản trị thì sẽ hiệu quả, tiến nhanh hơn. Các doanh nghiệp đừng sợ bị thâu tóm, ăn thua là cách mình làm”, ông Hậu phân tích.

Vũ Anh - Thanh Tân (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục