Méo mặt vì tiền thuê đất
Theo thông tin của Báo Đầu tư, VNR vừa có Công văn số 3239/ĐS-QLHT gửi Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Vụ Tài chính (Bộ GTVT) để giải trình thêm về việc xác nhận diện tích đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ.
Lô đất này đang được VNR giao Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm quản lý để cung cấp các sản phẩm công nghiệp đường sắt thiết yếu như đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy diesel.
Tại công văn này, VNR đề nghị 2 cơ quan tham mưu nói trên tiếp tục báo cáo Bộ GTVT xác nhận diện tích đất thực tế mà doanh nghiệp này đang sử dụng tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ là đất kết cấu hạ tầng đường sắt nối liên hoàn với đường sắt quốc gia với diện tích là 63.269 m2 và đất công trình công nghiệp đường sắt gồm hệ thống kho, xưởng, công trình bổ trợ, khu xử lý nước thải thuộc dây chuyền công nghệ do Ba Lan thiết kế, xây dựng với diện tích là 140.604 m2.
“Đây là cơ sở để UBND TP. Hà Nội xác định loại đất theo đúng quy định của Luật Đất đai, từ đó tiến hành miễn tiền thuê đất cho Tổng công ty theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt 2017”, ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc VNR cho biết.
Theo điểm a, Khoản 2, Điều 6, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14: Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ: giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.
Đây đã là công văn thứ 7 được VNR gửi tới Bộ GTVT chỉ trong vòng 1 năm qua, với mục đích xin xác nhận thửa đất nói trên đang được sử dụng với mục đích phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và đất công nghiệp đường sắt.
Trước đó, đầu tháng 1/2019, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 130/CCT-QLN yêu cầu VNR phải nộp 214,96 tỷ đồng tiền thuê đất và 53,31 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế tại cơ sở 551 - Nguyễn Văn Cừ, đồng thời khuyến cáo sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ.
Đến ngày 31/5/2020, số tiền thuê sử dụng đất tại 551 - Nguyễn Văn Cừ được cơ quan thuế thông báo là 340,98 tỷ đồng, bao gồm: tiền thuê đất là 252,06 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp là 88,92 tỷ đồng.
Đúng 1 tháng sau, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 58568/CTQLĐ gửi VNR, theo đó cơ quan thuế cho biết, đang phân loại số nợ tiền thuê đất phát sinh từ 1/7/2018 vào nhóm “tiền thuế nợ đang chờ xử lý” với số tiền 60,979 tỷ đồng (bao gồm tiền thuê đất 55,71 tỷ đồng; tiền chậm nộp 5,26 tỷ đồng).
Cơ quan thuế yêu cầu VNR liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ trong tổng số 203.873 m2 để Cục Thuế TP. Hà Nội có cơ sở xem xét giải quyết miễn tiền thuê đất theo quy định.
Đối với tiền thuê đất, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2018 lên tới 280 tỷ đồng (bao gồm tiền thuê đất 196,343 tỷ đồng; tiền chậm nộp 83,656 tỷ đồng), Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị VNR nộp ngay vào ngân sách nhà nước.
“Việc số tiền thuê đất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ phát sinh từ trước ngày 1/7/2018 (là ngày Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực), cơ quan thuế không chấp thuận đưa vào nhóm “tiền thuế nợ đang chờ xử lý” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty”, lãnh đạo VNR lo lắng.
Nỗi lo bị di dời
Được biết, cơ sở nhà, đất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ được xây dựng từ năm 1905, có lịch sử gắn liền với việc xây dựng, phát triển của ngành đường sắt Việt Nam. Vào tháng 4/1955, Tổng cục Đường sắt tiếp tục nhận, quản lý lô đất và giao Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm) sử dụng. Từ khi tiếp quản đến nay, Tổng cục Đường sắt và đơn vị kế thừa là VNR đã liên tục quản lý, vận hành, sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa đầu máy, toa xe phục vụ.
Năm 1999, VNR ký với Sở Địa chính Hà Nội hợp đồng thuê đất có thời hạn cho thuê kéo dài 10 năm kể từ ngày 1/1/1996 cho lô đất số 551 - Nguyễn Văn Cừ, với giá cho thuê là 4.550 đồng/m2/năm.
Tổng diện tích mà đơn vị này phải nộp tiền thuê đất là 127.597 m2, sau khi đã trừ đi diện tích 20.721 m2 hồ điều hòa chung của khu vực, 56.270 m2 đất sử dụng cho hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt và phạm vi bảo đảm an toàn nền đường sắt trong khuôn viên Nhà máy. Tại thời điểm này, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về đất theo đơn giá của Hợp đồng. Số tiền thuê đất cao nhất mà Nhà máy từng nộp là 8,672 tỷ đồng (năm 2013).
Tuy nhiên, ngày 18/11/2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6960/QĐ- UBND, cho VNR thuê 203.873 m2 đất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính Hà Nội có Quyết định số 1030/QĐ-STC, phê duyệt đơn giá thuê đất của VNR tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ là 368.276 đồng/m2/năm (theo đơn giá thuê đất kinh doanh) cho toàn bộ 203.873 m2 đất (không phân khai theo mục đích sử dụng của từng diện tích đất).
Lãnh đạo VNR cho rằng, việc UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 6960 và Sở Tài chính có Quyết định số 1030 phê duyệt đơn giá cho thuê đất tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ là 368.276 đồng/m2/năm cho toàn bộ 203.873 m2 đất mà không phân khai theo mục đích sử dụng đất là chưa phù hợp và ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm.
Theo ông Đỗ Trọng Lừng, Giám đốc Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm, việc tiền thuê đất tăng 8,7 lần so với năm 2013 đã đẩy Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm - một đơn vị công nghiệp đường sắt đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn khi số tiền thuê đất phải trả (năm 2016 là 75 tỷ đồng) thậm chí còn lớn hơn cả doanh thu trong năm (năm 2017 là 67 tỷ đồng) và cao gấp 2 lần vốn điều lệ.
Không chỉ vướng mắc về tiền thuế đất, việc có giữ lại các cơ sở công nghiệp đường sắt của VNR tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ cũng đang là một thách thức lớn. Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội (đợt 1). Theo đó, 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo, trong đó có diện tích đất do VNR quản lý tại số 551 - Nguyễn Văn Cừ.
Lãnh đạo VNR cho rằng, việc đảm bảo quỹ đất ổn định, có định hướng phát triển tại 551 - Nguyễn Văn Cừ là việc làm cấp thiết, mang tầm chiến lược của ngành công nghiệp đường sắt nói riêng và quy hoạch mạng lưới đường sắt Quốc gia nói chung.
“Chúng tôi mong Hà Nội xem xét thận trọng, trên nhiều phương diện đối với cơ sở công nghiệp đường sắt tại 551 - Nguyễn Văn Cừ, bởi đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tương lai phát triển của cả ngành đường sắt”, ông Khánh kiến nghị.
Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có nêu: “Đối với Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm sẽ nghiên cứu phương án kết nối phù hợp với đường sắt Quốc gia. Với ưu thế về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị và trình độ cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm thực hiện đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy Diesel, tiến tới sẽ lắp ráp các loại đầu máy điện... với mục tiêu sản xuất phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 60 - 80%. Về dài hạn sẽ phát triển thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lớn đường sắt”.