Những chỉ tiêu bi đát
Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã ký Quyết định số 404/QĐ - UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Công ty mẹ - VNR.
Đây là kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt muộn nhất trong số 13 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, tại Quyết định số 404, CMSC giao VNR với 6.984 người (không bao gồm người quản lý) phải đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 700 tỷ đồng; nộp ngân sách 150 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn.
Doanh thu này đã được đại diện chủ sở hữu loại trừ các yếu tố khách quan, bao gồm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; ảnh hưởng của chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt và việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt tuyến Hà Nội - TP.HCM; ảnh hưởng của các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt.
Do hàng loạt đơn vị thành viên, đơn vị có số vốn góp của VNR xuất hiện các khoản thua lỗ lớn từ năm 2019, nên tại Quyết định số 404, Chủ tịch CMSC yêu cầu Công ty mẹ - VNR thực hiện kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính; đồng thời tiến hành xây dựng, đề xuất giải pháp tái cơ cấu các đơn vị không đảm bảo hiệu quả hoạt động.
“Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNR chỉ được phép đầu tư không quá 20 tỷ đồng trong năm 2021, trong đó không bố trí vốn chuẩn bị đầu tư đối với dự án đầu tư đầu máy”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC giao nhiệm vụ.
Đây đã là lần thứ 2 liên tiếp, CMSC phải giao cho lãnh đạo Công ty mẹ - VNR “định mức” thua lỗ kể từ khi đơn vị này được thành lập vào năm 2018.
Trong lần giao kế hoạch kinh doanh vào năm 2020, CMSC đã giao Công ty mẹ - VNR phải đạt doanh thu 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 168,4 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; vốn đầu tư tối đa không quá 77 tỷ đồng; nộp ngân sách 220 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính 2020, Công ty mẹ - VNR đã hụt hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh được giao, trong đó doanh thu chỉ đạt 1.729 tỷ đồng; nộp ngân sách được 160 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế là âm 1.327 tỷ đồng, cao gấp 9 lần “định mức” thua lỗ được CMSC giao.
Trong số 25 công ty con mà VNR nắm trên 50% vốn điều lệ, có 3 công ty xuất hiện các khoản thua lỗ lớn là Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (lỗ 196 tỷ đồng); Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (lỗ 217 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm (lỗ 10 tỷ đồng).
Cần phải nói thêm rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ - VNR trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục lao dốc không phanh.
Do Covid-19 tiếp tục bùng phát, lại rơi vào các thời gian vận tải cao điểm như Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5 đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của VNR tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, VNR chỉ tổ chức chạy được 3.173 đoàn tàu khách, giảm 3.282 đoàn so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 8.659 đoàn so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm ít ảnh hưởng của dịch. Từ giữa tháng 8/2021, sau khi hầu hết các địa phương thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16/CT-TTg, VNR đã dừng toàn bộ các đoàn tàu vận chuyển hành khách trên hệ thống đường sắt quốc gia. Điều này dẫn tới doanh thu lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 73,1% so với cùng kỳ và chỉ bằng 49,6% so với 7 tháng đầu năm 2019 khi chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thế đường cùng
Theo một lãnh đạo VNR, nếu Covid-19 không được kiểm soát tại TP.HCM trước tháng 12/2021, khả năng rất cao là Công ty mẹ và 2 công ty vận tải đường sắt sẽ gánh chịu các khoản thua lỗ vượt xa các dự báo, chỉ tiêu kinh doanh được giao.
Hiện nguy cơ Tổng công ty mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh kể từ quý II/2022 là điều không thể loại trừ.
Do không có việc làm kéo dài từ gần 6 tháng nay, đời sống của gần 1 vạn lao động khối vận tải của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên là rất khó khăn.
Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết, thống kê trong toàn ngành, tính đến đầu tháng 9/2021, hơn 5.500 lượt người lao động đường sắt đã phải nghỉ việc trong đợt bùng phát dịch thứ tư. Những người này chủ yếu ở các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ ngày 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc - Nam giảm sút, người lao động không có việc làm.
“Theo số liệu chưa chính thức, toàn ngành đường sắt đã có hơn 60 trường hợp F0, hàng trăm trường hợp F1. Tuy nhiên, nhiều người ở khu vực phong tỏa, hoặc phải tự cách ly, điều trị ở nhà tại TP.HCM nên chưa có giấy xác nhận để được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, đến nay chúng tôi mới hỗ trợ được hơn 20 trường hợp F0”, ông Phương nói và cho biết, đang hướng dẫn các đơn vị nhanh chóng tìm cách thực hiện các thủ tục liên quan để hỗ trợ người lao động kịp thời.
Hiện VNR đang tập hợp hồ sơ xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất… theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nhưng vẫn chưa đem lại kết quả.
Theo quy định tại Điều 13, Quyết định số 23, điều kiện để người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương được hỗ trợ là “phải có quy định tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19”.
Trong thời gian qua, Covid -19 bùng phát, các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không cho phép các đoàn tàu đón trả khách tại các ga dọc tuyến đường sắt, nhưng lại không có bất cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào về việc dừng hoạt động đối với doanh nghiệp.
Điều này khiến hơn 5.000 lao động của ngành đường sắt phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương, đời sống vô cùng khó khăn, nhưng vẫn không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
“Việc chưa tiếp cận được hoặc không đáp ứng các tiêu chí để hưởng chính sách ưu đãi từ Chính phủ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 như hỗ trợ tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giãn nợ, giãn khấu hao... đang khiến VNR rơi vào thế đường cùng”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR lo lắng.