Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên (TISCO), tình trạng khó khăn, bế tắc lâu nay của doanh nghiệp là do hậu quả trực tiếp và gián tiếp khi dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 bị dừng.
Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là dự án nằm trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đã bị thanh tra và giờ đây tiếp tục phục vụ việc xử lý các sai phạm sau kết luận của thanh tra, nên bị can thiệp về tài chính, dẫn tới không có vốn cho sản xuất, sức cạnh tranh ngày càng đi xuống.
Bản thân dự án giai đoạn 2 vẫn bế tắc, chưa biết giải quyết theo hướng nào, vì vậy, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp rất cầm chừng, có nguy cơ dừng hẳn. Đặc biệt, doanh nghiệp đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có một đồng vốn nào để mua nguyên liệu cho sản xuất, do toàn bộ hệ thống tín dụng đã dừng không cho vay.
“Đối với TISCO, tình trạng hiện nay cực kỳ nguy hiểm. Lò cao không thể dừng sản xuất, vì nếu dừng rồi, khi sản xuất trở lại phải khởi động lại, mất thêm hàng trăm tỷ đồng, vậy mà nhiều ngày nay Công ty không còn tiền để mua cân thép nào. Hiện nay, doanh nghiệp duy trì sản xuất là nhờ các đối tác, bạn hàng vẫn tín nhiệm, cho mua chịu nguyên liệu, nhưng chắc chắn không thể kéo dài. Nếu không có giải pháp để có vốn duy trì sản xuất thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị phá sản”, ông Diệp nói.
Một trong những giải pháp trọng tâm được Chính phủ đưa ra tại các văn bản gần đây, đó là tìm phương án đàm phán để giải quyết dứt điểm với nhà thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) và nhà thầu phụ để tìm hướng đi khả dĩ có thể phục hồi sản xuất cho TISCO.
Tuy nhiên, đại diện TISCO cho biết, việc đàm phán với MCC rơi vào bế tắc, vì MCC yêu cầu đưa vào điều kiện tiên quyết là phải giải quyết hết các vướng mắc, nợ đọng đang dây dưa thì họ mới tiếp tục đàm phán, song giải quyết các vấn đề đó đều vượt thẩm quyền của chủ đầu tư.
Theo báo cáo của TISCO, vì thời gian dừng dự án kéo dài nên MCC còn đòi bồi thường chi phí kéo dài, chi phí hướng dẫn, dịch vụ bảo quản, bảo hành, bởi khi thiết bị, máy móc mua của các hãng khác thì cũng chỉ có thời hạn, bảo hành cũng có thời hạn…
“Tất cả các chi phí phát sinh, TISCO đều phải gánh. Chi phí thanh lý các hoạt động, MCC cũng đưa vào điều kiện tiên quyết phải giải quyết trước, đồng thời họ yêu cầu phải chỉ ra được hợp đồng tín dụng thu xếp được đủ vốn thì mới chấp nhận đàm phán tiếp”, ông Diệp nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) chia sẻ, chưa giải quyết được những điểm mấu chốt của dự án giai đoạn 2 vì không thể đàm phán với nhà thầu Trung Quốc. Bên cạnh đó, một khó khăn khác là việc bảo lãnh với VietinBank cũng không xử lý được. Hiện VietinBank cơ cấu lại theo hướng bán khoản nợ của TISCO, nên Công ty lâm vào cảnh các ngân hàng đóng cửa không cho vay, chờ ý kiến của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“VNS đã nhiều lần gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước xin hỗ trợ, nhưng cơ quan này trả lời, TISCO phải xây dựng phương án kinh doanh có hiệu quả và chủ động đàm phán với ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc đàm phán với các ngân hàng hầu như không thành công. Nếu không có vốn, TISCO sẽ phải ngừng sản xuất và tình hình sẽ nan giải hơn với 4.300 người lao động cũng như với TISCO và Tổng công ty”, lãnh đạo VNS cho hay.
Vị này cho biết thêm, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, vì vậy, một trong những nhiệm vụ chính của VNS và TISCO là tập trung xử lý các vấn đề sau thanh tra và tiếp tục chờ đợi các chỉ đạo giải quyết từ trên.
Theo số liệu của TISCO, tính đến cuối tháng 1/2019, toàn bộ phần thiết bị nhà thầu đã cung cấp đến hiện trường là 35.854 tấn thiết bị, bằng 98,6% tổng khối lượng theo hợp đồng ký kết. Hiện nay, toàn bộ thiết bị này vẫn thuộc nhà thầu quản lý, bao gồm cả MCC và nhà thầu phụ, trong đó MCC trực tiếp quản lý 12.600 tấn, còn lại các đơn vị thành viên trông coi và bảo quản.
Phần C đang thi công dở dang 140/163 tiểu hạng mục còn 23 tiểu hạng mục chưa triển khai. Từ tháng 1/2011 - 9/2012, hai bên đã ký thêm 13 hợp đồng phụ và nỗ lực tìm cách tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn, song không đạt kết quả. Tổng giá trị hoàn thành có đủ điều kiện để thanh toán là 1.100 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư đã bỏ ra 875 tỷ đồng.
Tổng giá trị giải ngân cho toàn bộ dự án cuối tháng 3/2018 là 4.684 tỷ đồng, riêng phần giải ngân trả lãi là 1.051 tỷ đồng, trả gốc 270 tỷ đồng, trả cho hợp đồng tổng thầu (EPC) gồm cả MCC và nhà thầu phụ là 2.990 tỷ đồng, trong đó trả cho MCC riêng thiết bị là hơn 2.114 tỷ đồng và nhà thầu phụ Việt Nam khi tham gia lắp đặt là 875 tỷ đồng.