Hàng loạt vi phạm tại dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2

(ĐTCK) Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), công khai các kết luận về hàng loạt sai phạm của TISCO cùng các đơn vị, cơ quan có liên quan. 
Hàng loạt vi phạm tại dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Dự án “đội vốn” trên 4.260 tỷ đồng

Dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005 tại Văn bản số 342/TTg-CN, giao Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư được Hội đồng quản trị VNS phê duyệt vào tháng 10/2005 là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD).

Theo nội dung phê duyệt, Dự án gồm hai gói thầu chính là Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ (đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán 224,057 tỷ đồng) và Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim trị giá 143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD, thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Ngày 12/7/2007, hợp đồng EPC được ký giữa bên giao thầu là TISCO và bên nhận thầu là MCC. Theo cam kết tại Ðiều 9 của Hợp đồng, “giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160.888.887 USD. Giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC”.

Trong đó, giá trị Phần E (tư vấn, thiết kế) là 3.145.572 USD, Phần P (thiết bị) là 114.813.414 USD, Phần C (xây dựng và lắp đặt) là 42.929.901 USD. Thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 3/9/2007).

Sau khi hợp đồng được ký kết, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD. Ðáng chú ý, trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC đã ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung hai bên thống nhất tách phần xây dựng và lắp đặt giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thực hiện với thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến quý I/2011 hoàn thành.

Mặc dù theo cam kết tại Hợp đồng, giá hợp đồng tổng thầu là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện, song đến năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh mức đầu tư.

Theo đó, ngày 15/5/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên tới trên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Theo Thanh tra Chính phủ, tuy chủ trương đầu tư dự án phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ công nhân viên, song trong quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tính đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421.522 triệu đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng, tương đương lãi vay phải trả hiện lên tới trên 40 tỷ đồng/tháng. Trong đó, TISCO thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, tương ứng 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD, tương ứng 92,89%).

Ngoài ra, TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (gồm 42 xe ô tô có tổng trị giá 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, gây thiệt hại vốn đầu tư. 

Kiến nghị xử phạt hàng loạt sai phạm

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, với tiến độ thực hiện như trên, thực tế dự án phải kéo dài, chậm tiến độ trên 10 năm; tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành.

Việc MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, tình trạng máy móc thiết bị hư hỏng, sai khác về xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật và TISCO chưa xác nhận đủ khối lượng giá trị các công việc do nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện Phần C… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt khuyết điểm, sai phạm của TISCO; VNS - với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO; nhà thầu MCC cùng nhà thầu Vinaincon; các đơn vị tư vấn và thẩm tra gồm Sofreco, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) cùng hàng loạt bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển - Chi nhánh Thái Nguyên… liên quan tới việc điều chỉnh nâng vốn dự án, thiếu trách nhiệm làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn đầu tư, để dự án chậm tiến độ và dừng hoạt động.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý các vi phạm trên cơ sở xử lý kinh tế, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo VNS, TISCO thu hồi khoản thuế trên 11,6 triệu USD của MCC mà TISCO đã nộp thay; các khoản chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị trên 4,7 tỷ đồng và phí quản lý Phần C là 708.343 USD; thu hồi tiền đã chi cho các tổ chức, cá nhân sai quy định trên 3 tỷ đồng và trên 439.562 USD; giá trị thiết bị máy móc gần 39 triệu USD do MCC cung cấp có sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật; xử lý số tiền thanh toán sai (Phần C) cho các nhà thầu phụ và giá trị phần việc các nhà thầu phụ thực hiện dự án trên 876,7 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỷ đồng không có cơ sở, không đúng quy định. Tổng công ty Vinaincon nộp vào ngân sách đối với khoản bán thầu không đúng quy định hơn 3,655 tỷ đồng. Ðồng thời, Thanh tra Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án xử lý đối với Dự án đã được Thủ tướng chỉ đạo tại Ðề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân liên quan; đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra 4 việc vi phạm có dấu hiệu hình sự mà cơ quan này đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an từ ngày 14/11/2017.

Lối thoát nào cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO?'

Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng giám đốc CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) Hoàng Ngọc Diệp cho rằng, với những vi phạm đã được thanh tra chỉ ra, ai sai phạm tới đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tới đó.

Tuy nhiên, ông Diệp khẳng định, dù dự án đã bị dừng gần 6 năm, công nghệ cung ứng cho dự án giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên là công nghệ tiên tiến hiện vẫn đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Máy móc thiết bị dù còn nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện hợp đồng, song vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

“Các thiết bị máy móc chính vẫn đang được bảo quản trong điều kiện đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu có các điều kiện cần và đủ thì trong vòng không quá 14 tháng có thể hoàn thành dự án và đưa vào gia công sản phẩm được. Vấn đề là có giải pháp nào hiệu quả để giải bài toán vướng mắc về vốn và cơ chế cho dự án tiếp tục được hoàn thiện và đi vào hoạt động”, ông Diệp nói.

Theo ông Diệp, hiện nay do giai đoạn 2 bị vướng mắc nên toàn bộ hệ thống tín dụng đã ngừng cấp vốn cho dự án. Do vậy, giải pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng bế tắc của dự án là thoái vốn càng nhanh càng tốt.

Tính đến thời điểm hiện nay, cổ đông lớn nhất của TISCO vẫn là Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), tiếp đó là CTCP Thương mại Thái Hưng và một cá nhân khác là ông Lê Thành Thực. Ðối với số cổ phần thuộc VNS sở hữu, dù đã có chủ trương thoái vốn Nhà nước từ lâu, song hầu như vẫn chưa thể thực hiện được việc thoái vốn.

Liên quan đến số cổ phần sở hữu thuộc CTCP Thương mại Thái Hưng, mới đây, công ty này cho biết vẫn chưa bán được cổ phiếu nào trong tổng số 18,4 triệu cổ phần TISCO đăng ký bán trước đó dù đã hết thời hạn đăng ký. Hiện Thái Hưng đang sở hữu 36,8 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng 20% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của TISCO.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục