Gần 1,1 triệu người đã chết vì nCoV toàn cầu

Toàn cầu ghi nhận gần 1,07 triệu người chết trong hơn 37,4 triệu người đã nhiễm nCoV, WHO bày tỏ lo ngại về tình hình châu Âu.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại sân bay quốc tế Muscat ở thủ đô Oman. Ảnh: AFP.

214 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 37.434.890 ca nhiễm và 1.077.115 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 345.237 và 5.026 ca sau 24 giờ, trong khi 28.094.511 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.942.017 ca nhiễm và 219.244 người chết, tăng lần lượt 47.388 và 579 ca so với một ngày trước đó.

Khảo sát do Reuters và Ipsos tiến hành ngày 6-8/10 cho thấy người dân Mỹ đang dần mất niềm tin vào cách chính quyền Tổng thống Donald Trump ứng phó đại dịch, khi chỉ có 37% người được hỏi ủng hộ các biện pháp của chính phủ, trong khi 59% người phản đối.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 9/10 cũng cảnh báo về "những dấu hiệu sớm" cho thấy xu hướng đáng báo động tại vùng đông bắc đất nước, kêu gọi người dân hành động và ngăn chặn sự lây lan trước khi Covid-19 bùng phát trở lại.

"Các hành động lần này phải diễn ra ở cấp độ cá nhân, trong mỗi ngôi nhà, thay vì chỉ ở không gian công cộng", bà nói.

Giới chức y tế cảnh báo đại dịch có thể tồi tệ hơn khi mùa đông tới và tồn tại song song với cúm mùa. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho rằng những ca nhiễm ở độ tuổi thanh niên có thể là nguyên nhân dẫn tới các điểm nóng Covid-19 mới.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 74.535 ca nhiễm và 921 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 7.051.543 và 108.371.

Covid-19 ban đầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phố lớn bao gồm trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi, nhưng sau đó đã lây lan đến các vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém.

Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 506 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 150.198. Số người nhiễm nCoV tăng 25.447 trong 24 giờ qua, lên 5.082.637.

Chính quyền bang Sao Paulo, bang đông dân nhất Brazil, hồi đầu tháng đã yêu cầu cơ quan quản lý y tế Anvisa đăng ký sử dụng vaccine Covid-19 do công ty Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc phát triển.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Nga báo cáo thêm 197 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 22.454. Số ca nhiễm tăng 12.846, lên 1.285.084.

Giới chức Nga khuyến cáo dân chúng ở nhà vào cuối tuần này song chưa ban hành lệnh phong tỏa mới. Một nguồn tin tại Văn phòng Thị trưởng Moskva cho biết giới chức thành phố đang xem xét đóng cửa quán bar, hộp đêm và quán karaoke, song vẫn cho phép các nhà hàng mở cửa.

Các trường học tại thủ đô Moskva bắt đầu đợt nghỉ ngoài kế hoạch từ ngày 5/10, các doanh nghiệp được yêu cầu cho tối thiểu 30% nhân viên làm việc từ xa.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết tình hình dịch bệnh tại thủ đô đang "trở nên thách thức và khó khăn hơn sau mỗi ngày".

"Chúng tôi đang tiến gần đến con số cao điểm của mùa xuân trong việc phát hiện các ca nhiễm Covid-19", ông viết trên trang blog cá nhân.

Sobyanin đã ra lệnh cho người già và những người có nguy cơ cao không ra khỏi nhà. Đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông công cộng và bên trong các cửa hàng.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 11 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 690.896 ca nhiễm và 17.673 ca tử vong, tăng lần lượt 2.544 và 126 ca.

Chính phủ Nam Phi mở biên với tất cả quốc gia châu Phi từ ngày 1/10, trong khi vẫn cấm du khách từ 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp.

Những người đi lại vì mục đích công việc, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và người thi đấu thể thao từ các quốc gia rủi ro cao được phép nhập cảnh.

Số ca nhiễm mới ở Pháp tăng kỷ lục khi nước này ghi nhận thêm 26.896 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 718.873 ca, trong đó 32.637 người chết, tăng 54 trường hợp.

Thủ đô Paris được đặt trong trạng thái báo động Covid-19 tối đa, đồng nghĩa mọi quán bar phải đóng cửa trong vòng hai tuần kể từ ngày 6/10 và các nhà hàng phải áp dụng những biện pháp bảo đảm vệ sinh nghiêm ngặt để duy trì hoạt động.

Văn phòng Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết tình hình chưa cải thiện kể từ khi Paris ghi nhận cả ba tiêu chí kích hoạt trạng thái báo động tối đa hồi giữa tuần trước, kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên làm việc tại nhà và giảng đường đại học không đầy quá một nửa.

Anh ghi nhận 590.844 ca nhiễm và 42.760 ca tử vong, tăng lần lượt 15.166 và 81 trường hợp. Chính phủ Anh đã thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 28.293 người chết, tăng 195, trong khi tổng số ca nhiễm là 496.253, tăng 3.875. Số ca nhiễm nCoV đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran.

Các trường học, thư viện, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở công cộng khác ở thủ đô Tehran bắt đầu đóng cửa trong một tuần từ ngày 3/10 để ngăn các ca nhiễm ngày càng tăng cao.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 336.926 ca nhiễm và 6.238 ca tử vong, tăng lần lượt 2.249 và 87 ca.

Philippines áp các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 328.952 nhiễm, tăng 4.294 so với hôm trước, trong đó 11.765 người chết, tăng 88 ca.

Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang bị phê phán vì ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe cộng đồng. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nước này chưa đầu tư đủ nguồn lực cho ứng phó đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, trong khi giá xét nghiệm nCoV cho cá nhân quá cao.

Tổng thống Widodo bác bỏ những chỉ trích, cho rằng tình hình Covid-19 tại Indonesia hiện nay "khá tốt".

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.866 người nhiễm, tăng 7 ca. Họ đang đưa ra các chương trình thí điểm đi lại và kích cầu kinh tế sau khi đã kiềm chế được dịch.

Mike Ryan, quan chức phụ trách phản ứng khẩn cấp của WHO, ngày 9/10 nói rằng "thật đáng buồn" khi chứng kiến ca nhiễm tăng trở lại ở châu Âu và kêu gọi các chính phủ có hành động dứt khoát để ngăn chặn virus lây lan.

"Không có câu trả lời mới. Chúng ta biết mình cần phải làm gì", Ryan nói, nhấn mạnh châu Âu phải rất cẩn thận với các cuộc tụ tập đông người.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục